Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới và thực hiện khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thay mặt Chính phủ Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) TS. Ngozi Okonjo-Iweala đã có chuyến thăm chính thức tại Hà Nội, Việt Nam, từ chiều ngày 17/5 và rời Việt Nam sáng sớm ngày 19/5, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc WTO cho thấy quan tâm cao của WTO, cũng như của Tổng Giám đốc đối với sự phát triển của Việt Nam kể từ khi gia nhập tổ chức này vào tháng 1/2007.
Thúc đẩy nâng cao hiểu biết và tăng cường sự ủng hộ đối với WTO
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết, với chuyến thăm lần này, thông qua các cuộc gặp, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ, ngành, doanh nghiệp và học giả, Tổng Giám đốc mong muốn thúc đẩy nâng cao hiểu biết và tăng cường sự ủng hộ đối với WTO, trung tâm của hệ thống thương mại đa phương.
Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala từng nói, sự tăng trưởng, phát triển liên tục của Việt Nam trong hơn một thập kỷ rưỡi, kể từ khi trở thành thành viên WTO, nhất là trong giai đoạn nhiều biến động của thế giới là một kỳ tích, Việt Nam luôn là một tấm gương cho các nước đang phát triển.
Chuyến thăm cũng là nỗ lực của bà Okonjo-Iweala để tiếp xúc trực tiếp với nước thành viên WTO, tìm hiểu tình hình thực tế ở cấp độ quốc gia, khu vực liên quan đến các vấn đề tổ chức đang xúc tiến. Đơn cử như việc thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định trợ cấp thủy sản đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12, tại Geneva tháng 6/2022), chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13), dự kiến diễn ra vào tháng 2/2024 tại Abu Dabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala nối tiếp người tiền nhiệm (ông Roberto Azevêdo) đã thăm Việt Nam năm 2016. Đây là chuyến thăm thứ hai của người đứng đầu WTO-tổ chức thương mại đa phương toàn cầu. "Điều này cho thấy quan tâm cao của WTO, cũng như của Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala đối với sự phát triển của Việt Nam kể từ khi gia nhập tổ chức này vào tháng 1/2007" - Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhận định và cho biết, thực tế, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước đang đứng trước nhiều thách thức lớn cấp bách toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sự năng động và chuyển biến tích cực, cùng với sự triển khai quyết liệt chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.
Chuyến thăm của bà Okonjo-Iweala là dịp để Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành, doanh nghiệp và học giả Việt Nam trực tiếp nghe ý kiến của Tổng Giám đốc về vai trò của WTO, công tác của WTO thời gian tới. Đồng thời, chia sẻ với Tổng Giám đốc về chủ trương của Việt Nam đề cao hệ thống thương mại đa phương; tầm nhìn, chiến lược, biện pháp cụ thể và nỗ lực, cũng như đề xuất đối với WTO của phía Việt Nam nhằm đề cao hệ thống thương mại đa phương, cải tổ tổ chức, thúc đẩy thương mại, thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững - Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho hay.
Qua thực tế, có thể thấy rõ thương mại và đầu tư (còn gọi là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ) là công cụ quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công cụ để tạo đột phá trong triển khai chiến lược quốc gia phát triển khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ, cũng như thực hiện các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu, đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, đạt các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao mức sống của người dân.
Khẳng định vị thế
Việt Nam đã trải qua 16 năm với tư cách là thành viên của WTO, tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Việc Việt Nam gia nhập WTO tháng 1/2007 là dấu mốc quan trọng trên hành trình đổi mới, hội nhập quốc tế và góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trước bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho rằng, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala và nhiều thành viên WTO từng đánh giá cao thành tựu phát triển nhanh chóng của Việt Nam khi cho rằng, thành công của Việt Nam truyền cảm hứng, kinh nghiệm cho nhiều nước trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển đất nước.
Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò, sự hợp tác, hỗ trợ của WTO, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc và quy định của hệ thống thương mại đa phương, là nền tảng cho Việt Nam xây dựng, ký kết các hiệp định thương mại song phương và nhiều bên, kể cả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Việt Nam đã trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có thương mại quốc tế lớn hàng đầu thế giới và thực hiện khoảng 100 hiệp định thương mại song phương và đa phương, hơn 60 hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư. Đây chính là thành quả to lớn của tiến trình đổi mới hơn 35 năm qua, việc gia nhập WTO đầu năm 2007 và thực hiện các cam kết trong WTO.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gần 8 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào đầu năm 2007 (371 tỷ USD năm 2022 so với 48 tỷ USD năm 2007); vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao trên thế giới, ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2020-2022, hiện đạt 431 tỷ USD.
Hiện nay, cũng như các nước khác, Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn chưa từng có do tình trạng “đa khủng hoảng” như chiến tranh và điểm nóng ở một số nước, tác động của đại dịch Covid-19, mất an ninh lương thực và năng lượng, khủng hoảng kinh tế và tài chính cùng với nợ công gia tăng ở các nước đang phát triển, biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng ngày càng lớn đến chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ, thương mại trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, điều quan trọng luôn được các thành viên WTO nhấn mạnh là cần duy trì hệ thống thương mại đa phương WTO dựa trên luật lệ bảo đảm các nguyên tắc mở cửa, minh bạch và công bằng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc WTO thực hiện đầy đủ các chức năng cơ bản gồm đàm phán thương mại, thực hiện và giám sát các hiệp định thương mại đa phương, giải quyết tranh chấp, hỗ trợ phát triển và xây dựng năng lực thương mại.
Để duy trì và tăng cường vai trò của WTO nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người dân Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của tổ chức, tiếp tục chủ động, tích cực tại các khuôn khổ hợp tác của WTO, nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết, đồng thời đóng góp tích cực trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề quan tâm chung tại WTO.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Việt Nam là tiếp tục ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng và dựa trên luật lệ với WTO đóng vai trò trung tâm nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư, đồng thời góp phần ứng phó hiệu quả với các thách thức đặt ra đối với các nước, như kết nối các chuỗi cung ứng, loại bỏ các hàng rào thuế quan, chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại; thúc đẩy trao đổi thương mại trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút hiện nay. Đây là nội dung quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.
Chiến lược của Việt Nam đã đề ra chủ trương tiếp tục đổi mới, bao gồm: phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước; xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Trong đó, vận dụng hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện làm động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tạo sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam.
"Với việc thực hiện đầy đủ, đồng bộ các hướng triển khai Chiến lược cả bên trong và bên ngoài, sự tích cực của Phái đoàn thường trực Việt Nam ở Geneva trong tham gia các hoạt động của WTO và đặc biệt là với sự phối hợp tham gia tích cực của đại diện các bộ ngành, doanh nghiệp, cũng như các học giả trong xây dựng và triển khai hiệu quả chính sách thương mại, vị thế của Việt Nam trên trường thương mại quốc tế sẽ ngày càng được nâng cao trong thời gian tới" - Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho hay.
Trong thời gian thăm Việt Nam, tuy thời gian ngắn, Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala có lịch hoạt động dày đặc gồm: Tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng.
Bên cạnh đó là các buổi gặp gỡ và đối thoại với các Nữ doanh nhân Việt Nam trong mạng lưới Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) và SheTrades Hub, gặp gỡ và đối thoại với sinh viên và giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, gặp làm việc với một số nữ lãnh đạo doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE).