Tin tức

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp thâm hụt dự kiến trong kho dự trữ, giữa lúc chính phủ đang tìm cách kiềm chế giá cả của loại lương thực chủ lực này và hạn chế áp lực gia tăng đối với lạm phát.Philippines muốn nhập thêm 330.000 tấn gạo - Ảnh 1.

Tồn kho gạo cuối năm của Philippines ước tính khoảng 1,69 triệu tấn

Phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Philippines cho biết NFA cần tăng cường dự trữ đệm cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, song việc tăng cường mua gạo từ nông dân có thể đẩy giá lương thực trong nước lên cao hơn.

Giá gạo tăng cao

Dữ liệu của Chính phủ Philippines cho thấy giá gạo ở nước này đã tăng cao hơn, với loại rẻ nhất hiện được bán ở mức 36-44 peso (0,65- 0,8 USD)/kg, tăng từ mức 35-38 peso/kg hồi đầu năm.

Trong khi đó, lạm phát dù đã giảm trong tháng 3 xuống còn 7,6%, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu chính thức là 2%-4%.

Hiện nay, Philippines đang cân nhắc triển khai các biện pháp phi tiền tệ nhằm giải quyết áp lực giá cả, trong khi ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất.

Theo tuyên bố, tồn kho gạo cuối năm của Philippines ước tính khoảng 1,69 triệu tấn, tương đương với lượng dự trữ đệm trong 45 ngày, chỉ bằng một nửa so với mức dự trữ lý tưởng trong 90 ngày cần thiết để ổn định giá cả.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, đồng thời là Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, xác nhận ông đang xem xét "mọi biện pháp" để kiềm chế giá gạo.

Nhà lãnh đạo Philippines sẽ lập kế hoạch nếu có nhu cầu nhập khẩu, mở rộng và tăng lượng dự trữ đệm của NFA - vốn đang ở mức quá thấp.

NFA đang tìm kiếm một thỏa thuận liên chính phủ để nhập khẩu gạo. Hiện tại, chỉ các thương nhân tư nhân mới được phép nhập khẩu gạo, trong khi chức năng của NFA chỉ giới hạn trong việc dự trữ đệm khẩn cấp.

Là một trong những nước mua gạo lớn nhất thế giới, Philippines thường nhập khẩu phần lớn nhu cầu gạo từ Việt Nam, cũng như từ một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ và các nhà sản xuất khác ở châu Á.

TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT