Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zeanlanh cho biết, việc hai nước cùng tham gia các FTA đa phương khiến rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương như Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực khiến cho rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ.
Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand.
Trong bối cảnh xung đột thương mại trên thế giới, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã xem xét việc dịch chuyển chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro. Trong đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp New Zealand quan tâm đến việc tìm kiếm hàng hóa từ Việt Nam thay thế cho hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là hàng hóa liên quan đến lĩnh vực may mặc và vật liệu xây dựng.
Hàng hóa xuất khẩu sang New Zealand cần đáp ứng nhiều quy định chặt chẽ
Tuy nhiên, thách thức tiếp cận thị trường sẽ rất lớn. New Zealand là nước có rào cản kỹ thuật cao đối với việc nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm. Các mặt hàng này muốn nhập khẩu vào New Zealand phải đảm bảo các tiêu chuẩn về y tế đối với sản phẩm nhập khẩu (IHS).
Đến nay, New Zealand mới cấp phép nhập khẩu cho quả xoài, thanh long, chôm chôm, cá tra, thực phẩm chế biến sẵn của Việt Nam. Mặt khác, do khoảng cách địa lý xa xôi, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này phải chịu chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến giá thành khó cạnh tranh so với các sản phẩm của một số quốc gia khác.
Trước thực tế cơ hội và thách thức đan xen, theo Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường này cần được thực hiện theo một chiến lược bài bản, dài hạn. Cụ thể, phương hướng thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường New Zealand trong giai đoạn tới cần tập trung vào một số nội dung như: Tạo hành lang pháp lý cho phép hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam thâm nhập thị trường; xây dựng chuỗi giá trị, phát triển công nghệ chế biến thực phẩm, tăng chất lượng hàng hóa; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường hợp tác phát triển phát triển các hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản…
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand cũng khuyến nghị, New Zealand là một thị trường kinh tế tự do, minh bạch và khó tính bậc nhất thế giới với các quy định chặt chẽ về hàng hóa nhập khẩu, vì thế các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và bám sát mục tiêu phát triển dài hạn của tỉnh về phát triển kinh tế xanh; nghiên cứu các thế mạnh của New Zealand phù hợp với từng mô hình phát triển của mỗi địa phương. Đối với các hiệp hội, cần giữ vai trò là cầu nối của các doanh nghiệp thành viên với cơ quan nhà nước về phát triển thị trường, các đối tác tại thị trường nước ngoài, cũng như nâng cao vai trò, thế mạnh trong việc phân tích thị trường, tìm hiểu pháp luật liên quan của các thị trường nước ngoài nhằm phục vụ nhu cầu phân tích thị trường, có chiến lược sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thành viên.
Với doanh nghiệp, cần hiểu về các phương thức kinh doanh của doanh nghiệp New Zealand, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản Việt Nam cần ghi chi tiết về thành phần sản phẩm gồm các nguyên liệu, chất phụ gia sử dụng, vùng nuôi, trồng. Ngoài ra, do vị trí địa lý xa, yếu tố về chi phí logistics và thời gian vận chuyển cần được tính toán nhằm tránh tình trạng sản phẩm hư hỏng hay thời gian sử dụng ngắn, ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị của sản phẩm. Đồng thời, chủ động tìm hiểu các quy định nhập khẩu của New Zealand được công bố công khai trên các website của các bộ, ngành chủ quản hoặc qua cuốn cẩm nang Tổng quan về thị trường New Zealand do Thương vụ Việt Nam tại New Zealand xuất bản năm 2021.
Thanh Tùng, Bộ Công Thương