Khác với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sự đón nhận đối với RCEP có phần dè dặt hơn, một phần vì quan điểm cho rằng lợi ích tăng thêm từ Hiệp định này có thể nhỏ hơn và các cam kết ưu đãi cũng không bằng các hiệp định khác.
Hiệp định quan trọng
Tuy nhiên, tại “Hội nghị tập huấn tuyên truyền ASEAN năm 2022: Tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam và những điều doanh nghiệp cần biết" , do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 19/4, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhấn mạnh: Việt Nam có mối quan hệ thương mại, đầu tư đặc biệt lớn với các nước thành viên ký kết RCEP. Những đối tác thuộc tốp đầu các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các nguồn nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đều có mặt trong khu vực này.
Trong so sánh với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN và ASEAN với các đối tác, Hiệp định RCEP có phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa mạnh và có tiêu chuẩn cao hơn ở nhiều khía cạnh. Việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Dương, trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “Việc thực thi RCEP được dự báo sẽ có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.”
Đến thời điểm này, dù còn nhiều đánh giá khác nhau về tác động, nhưng đây là thị trường lớn với 30% dân số thế giới, chiếm 30% GDP và quan trọng nhất là thị trường được dự báo phục hồi nhanh sau đại dịch.
Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định thương mại thế hệ mới (là CPTPP và EVFTA) với những cam kết và ràng buộc cao hơn so với RCEP. Vì vậy, về lý thuyết, nếu chủ động thực hiện hiệu quả các cam kết thì Việt Nam sẽ cải thiện được năng lực cạnh tranh và nhiều lợi thế khi thực hiện các FTA thế hệ mới và cả RCEP.
Các đánh giá định lượng đều cho thấy RCEP có tác động tạo thương mại, chứ không chỉ là chuyển hướng thương mại. Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Cùng với việc gia tăng thương mại hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực.
Còn nhiều thách thức
Dù vậy, theo ông Nguyễn Anh Dương, thách thức khi thực thi RCEP nằm ở khả năng tận dụng ưu đãi trong Hiệp định này, khả năng duy trì và cải thiện năng lực cạnh tranh xuất khẩu, và gia tăng nhập siêu.
“Nhiều doanh nghiệp không có thói quen bài bản, không tìm hiểu các quy định, đến khi quy định ban hành và thực hiện rồi thì doanh nghiệp mới “ngã ngửa” ra tìm cách đáp ứng thì đã lỡ mất cơ hội” – ông Nguyễn Anh Dương cho biết.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để tận dụng được hiệp định RCEP, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch kinh doanh gắn với tìm hiểu quy định thị trường một cách bài bản. Đặc biệt, các doanh nghiệp không được tách rời RCEP với các FTA khác trong chiến lược kinh doanh của mình, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, SPS khó khăn hơn, trong quá trình chuyển đổi, có thể tận dụng cơ hội và tích luỹ từ các FTA “tiêu chuẩn thấp” khác (như ASEAN + FTA,…). Ông Dương cũng chỉ ra các doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, tận dụng cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, doanh nghiệp cần chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá,…
Các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động trong tìm hiểu thông tin như cam kết, triển vọng và yêu cầu của các thị trường RCEP, dự thảo chính sách/quy định mới,…, tham gia vào quá trình tham vấn để xây dựng chính sách mới và rà soát các chính sách cũ, kiến nghị hỗ trợ nâng cao năng lực từ các FTA mới.
Thu Huyền, Bộ Tài chính