Được đánh giá rất cao về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng tốt, thanh long Việt Nam là một trong những loại trái cây được rất nhiều thị trường ưa chuộng. Trong đó, Australia và New Zealand được đánh giá là những thị trường tiềm năng vì đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Thanh long xuất khẩu thành công vào thị trường này sẽ có cơ hội vào được nhiều thị trường khác.
Từng bước chinh phục thị trường
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, liên tục trong những tháng đầu năm 2022, vài chục tấn thanh long nhãn hiệu Rồng Đỏ đã được công ty 4wayfresh nhập khẩu đã cập bến và đưa ra thị trường tại 2 bang Tây và Nam Australia. Cùng với đó, Công ty Hoa Australia cũng đưa ra thị trường Melbourne và các thành phố khác 14 tấn thanh long Việt Nam ruột trắng và đỏ.
Tiếp theo trái vải và trái xoài là hai trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu vào Úc, ngày 24/8/2017, Úc đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Sau khi được tích cực quảng bá thông qua cộng đồng người Việt Nam tại Úc cũng như hệ thống phân phối bán lẻ của người Việt tại Australia, trái thanh long Việt Nam hiện được bày bán phổ biến nhiều nơi như siêu thị Thaikee tại trung tâm Sydney và các cửa hàng tại thủ phủ người Việt ở Cabramatta, NSW. Thanh long Việt Nam ruột trắng và đỏ được bày bán với giá quy đổi khoảng 200.000 đồng một kg. Siêu thị Đại Phát ở Melbounre hay MCQ tại Perth hoặc các siêu thị ở Nam Australia cũng bày bán thanh long Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu cho biết đã thống nhất với chiến lược thị trường do Thương vụ đề ra là đẩy mạnh quảng bá thanh long Việt hướng vào giới trẻ tại nước này để mở rộng dư địa thị trường. Cơ quan Thương vụ cũng đang triển khai xúc tiến bán thanh long trúng thưởng vé máy bay, đồ chơi trẻ em, quà Tết.
Thanh long là một trong số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Australia và New Zealand. Với Australia, bà Nguyễn Thu Hường, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường này thông tin, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Australia tăng 36%, năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, con số tăng trưởng xuất khẩu có giảm nhưng vẫn đạt 14%, đạt 4,8 triệu USD, cao hơn mức tăng trưởng chung của mặt hàng thanh long xuất khẩu đi các thị trường.
“Ngoài hệ thống phân phối của người Việt, thanh long Việt Nam đã được bày bán tại các siêu thị bán lẻ lớn tại Australia”, bà Nguyễn Thu Hường nói. Điều này cho thấy trái thanh long tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng tại quốc gia này ưa chuộng.
Tương tự, tại New Zealand, thanh long là một trong 3 loại quả được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung cho hay, thanh long là loại quả xuất khẩu thành công nhất của Việt Nam vào New Zealand với mức tăng trưởng liên tục từ năm 2014 đến nay.
Từ năm 2013 Chính phủ New Zealand tài trợ cho Việt Nam dự án nhằm phát triển giống thanh long có sức kháng bệnh tốt, năng suất cao. Đến nay dự án đã đạt được những thành công nhất định, đáng kể nhất là tạo được nguồn thanh long chất lượng tốt để xuất khẩu sang New Zealand và các thị trường khác.
Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, cơ hội xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào New Zealand khá rộng mở, ông Humphrey Lawrence, Tổng Giám đốc phụ trách nhập khẩu, Công ty MG Marketing (New Zealand) cho rằng, sau dịch Covid-19 nhu cầu các tiêu dùng mặt hàng thanh long tăng cao, trong khi đó loại trái cây này của Việt Nam có hình thức bắt mắt, hương vị rất ngon. Hiện giá thanh long trên thị trường khá ổn, khoảng 40-45 USD/thùng 5kg. Nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này.
Lưu ý các quy chuẩn, tiêu chuẩn
Có cơ hội lớn như vậy, song để trái thanh long chiếm lĩnh tốt thị trường nước ngoài, ông Humphrey Lawrence khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn với trái thanh long tại thị trường nhập khẩu. Cùng đó, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm sau thời gian vận chuyển dài cũng là vấn đề cần được chú trọng nhằm kéo dài thời gian bảo quản và tiêu thụ trên thị trường. Quan trọng là tránh được trải nghiệm không tích cực cho người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm chất lượng không tốt, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng lần sau.
Về điều kiện nhập khẩu thanh long vào thị trường Australia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia thông tin, trước khi nhập khẩu, thanh long cần có giấy phép nhập khẩu hợp lệ do Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia cấp. Thanh long tươi trước khi vận chuyển phải được xử lý bằng biện pháp nhiệt hơi với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên tại cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) của Việt Nam phê duyệt. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải được gửi kèm theo chuyến hàng.
Bà Nguyễn Thu Hường khẳng định: “Nhu cầu tiêu thụ thanh long tại Australia tăng rất cao, ngoài nhập khẩu từ Việt Nam, Chính phủ Australia đang cân nhắc cho phép nhập khẩu thanh long từ Philippines. Tính cạnh tranh của mặt hàng này tại Australia ngày càng gay gắt, doanh nghiệp cần bảo đảm thế mạnh của thanh long Việt Nam hơn nữa trên thị trường”.
Tiến sỹ Micheal Lay-Yee, chuyên gia New Zealand - người đã từng trực tiếp tham gia Dự án Hỗ trợ phát triển giống thanh long có sức kháng bệnh tại Việt Nam đã phân tích chi tiết và gợi ý các phương pháp cải tiến, hoàn thiện, tối ưu hóa từng công đoạn của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng thanh long, từ khâu chọn giống, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ giống, đến thu hoạch, đóng gói, bảo quản để hướng tới sự phát triển bền vững cho ngành thanh long Việt Nam.
Ngoài ra, để trái thanh long của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa trên 2 thị trường cấp cao này, vị chuyên gia này khuyến cáo, sản phẩm xuất khẩu phải được thiết kế riêng cho thị trường, bao bì đóng gói phù hợp; bảo đảm nguồn cung ổn định cả chất lượng và số lượng. Nên có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng thanh long và nhà nhập khẩu ngay từ khâu đầu tiên, giúp sản phẩm sớm đạt các yêu cầu và tiêu chuẩn, thuận lợi cho xuất khẩu.
Đặc biệt, sản phẩm chế biến từ thanh long là phân khúc còn nhiều tiềm năng, được người tiêu dùng ưa chuộng, doanh nghiệp trong nước có thể khai thác, tận dụng.
Các cơ quan Thương vụ cũng khuyến nghị địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quảng bá và thương hiệu ngành tập trung vào đặc tính dinh dưỡng của sản phẩm để nâng cao sự nhận biết của người tiêu dùng và mở rộng đối tượng khách hàng ra ngoài nhóm khách hàng châu Á truyền thống.
Văn Cường - Bộ NNPTNT