Dựa trên kết quả phản hồi từ 3.657 doanh nghiệp, báo cáo tổng hợp đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu năm vừa qua, đồng thời phản ánh các kiến nghị tới các bộ, ngành về việc sửa đổi các quy định, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Ghi nhận từ báo cáo cho thấy, Bộ Công Thương nằm trong top các Bộ dẫn đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa bao gồm 3 thủ tục chính: Thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương, thủ tục công bố hợp quy và thủ tục kiểm tra chất lượng. Liên quan đến đánh giá của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất khi tuân thủ thủ tục này, đối với Bộ Công Thương (41,6%), tiếp đến là Bộ Khoa học - Công nghệ (28,4%), thấp nhất là Bộ Giao thông vận tải (17,1%).
Cùng đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ trong thực hiện thủ tục của các bộ, ngành đều có sự cải thiện theo thời gian. Trong đó, chuyển biến nhiều nhất là tại Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Công Thương cũng trong top 3 Bộ dẫn đầu về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa.
Báo cáo cho biết, các doanh nghiệp đang sử dụng ngày một đa dạng các phương thức tiếp cận thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Những phương thức cung cấp thông tin trực tuyến được đánh giá cao hơn các phương thức cung cấp thông tin truyền thống.
Mức độ phổ biến của các chi phí "bôi trơn" trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Một mặt, thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến; mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác trong việc chấn chỉnh đạo đức công vụ.
Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng cơ quan hải quan và các bộ, ngành cần đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến. Cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin cần được chú trọng cải thiện nhằm giảm thiểu tình trạng nghẽn mạng, báo lỗi trong quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến. Các doanh nghiệp đề nghị nguyên tắc quản lý rủi ro cần được triển khai và áp dụng đầy đủ, toàn diện trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.
Việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý kiểm tra chuyên ngành với cơ quan hải quan cần được cải thiện, đặc biệt như chia sẻ dữ liệu thủ tục hành chính, phối hợp giải đáp vướng mắc, hướng dẫn về quy trình thủ tục nghiệp vụ
"Tất cả kiến nghị của doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu"- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bộ Công Thương nằm trong top các Bộ dẫn đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.