Tin tức

Sự tăng trưởng mạnh của tôm và cá tra đang thúc đẩy giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,27 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, Mỹ, EU và các thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang chi phối sự tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi hồi phục mạnh trong tháng 4 vừa qua thì kể từ đầu tháng 5/2021 xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng mạnh, tập trung vào 2 nhóm hàng là tôm và cá tra. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 25% trong tháng 5, đạt 375 triệu USD, sau khi đạt trên 300 triệu USD trong tháng 4. Như vậy, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 1,34 tỷ USD, tăng 14%. Tương tự, xuất khẩu cá tra cũng đang hồi phục cao hơn dự kiến với mức tăng 26%, đạt 134 triệu USD trong tháng 5/2021, lũy kế hết tháng 5 xuất khẩu cá tra đạt 623 triệu USD, tăng 12%.

Xuất khẩu thủy sản tăng 14% trong 5 tháng 2021
Xuất khẩu thủy sản phục hồi tốt nhờ chuẩn bị được nguồn nguyên liệu

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền chia sẻ, so với năm 2020 việc xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng đã có sự cải thiện tích cực, nhất là kể từ đầu tháng 5/2021 tới nay nhiều thị trường truyền thống như EU, Trung Quốc, Trung Đông đang tích cực nối đơn hàng trở lại.

“Thời điểm này chúng tôi đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, đồng thời cố gắng liên hệ với doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin trong nước để tìm nguồn cung tiêm phòng dịch cho nhân viên. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, từ đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ổn định”- bà Ánh cho biết thêm.

Còn với doanh nghiệp tôm, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước - cho biết đã dự báo trước tình hình xuất khẩu tôm năm nay sẽ tăng cao nên có sự chuẩn bị vùng nguyên liệu và nâng công suất nhà máy. Nhờ đó khối lượng và giá trị xuất khẩu của Thuận Phước trong 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh trên 25%. Hiện doanh nghiệp này đang thực hiện các công tác phòng chống dịch để đảm bảo an toàn sản xuất, không ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng xuất khẩu.

Theo đánh giá của VASEP, hiện tại thị trường Mỹ, EU và CPTPP đang đạt mức tăng trưởng tốt khi ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng cao. Cụ thể tại Mỹ, việc triển khai nhanh và rộng rãi chiến dịch tiêm phòng Covid cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ nước này đã mang lại động lực để nhu cầu tiêu thụ thủy sản hồi phục “thần tốc” không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… Đặc biệt, mặt hàng tôm luôn nằm trong top đầu tiêu thụ thuỷ hải sản của Mỹ, chắc chắn sẽ được người tiêu dùng lựa chọn đầu tiên khi nước Mỹ mở cửa hoàn toàn 50 bang từ ngày 20/5/2021.

Cùng với Mỹ, thị trường EU cũng đang là điểm đến kỳ vọng của các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Nguyên nhân do các nhà nhập khẩu châu Âu có xu hướng quan tâm hơn đến các nhà cung cấp thuỷ sản Việt Nam với lợi thế thuế quan từ Hiệp định EVFTA và nguồn nguyên liệu ổn định. Ước tính xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang EU tháng 5 tiếp tục tăng 30%, đạt gần 95 triệu USD và lũy kế 5 tháng đầu năm sang EU đạt trên 380 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong khối thị trường CPTPP, theo VASEP, xuất khẩu sang các nước khối CPTPP ghi nhận tăng mạnh. Cụ thể sang Australia tăng 65% trong 5 tháng đầu năm nay, sang Canada tăng 12%...

TS. Đào Văn Cường - Bộ NNPTNT