Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (VN) sang Mỹ vẫn tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị trong những tháng gần đây.
Người Mỹ tăng mua hàng Việt
Bộ NN&PTNT vừa công bố trên website của bộ này, cho biết trong hai tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 6,17 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tăng cao như rau quả, các sản phẩm từ gỗ, cao su, chè, điều…
Điểm nổi bật nhất là Mỹ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của VN, trong khi trước đây vị trí này luôn thuộc về Trung Quốc. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này sang Mỹ đạt khoảng 2,04 tỉ USD, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước chỉ đạt 1,88 tỉ USD.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), nhận định: Về khách quan, nguyên nhân xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh là do mức độ chi tiêu của người tiêu dùng nước này cho sản phẩm đồ gỗ và nội thất vẫn tăng lên kể cả thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh.
Về chủ quan, hàng đồ gỗ Việt đắt khách ở Mỹ do các công ty ngành này hầu như không bị gián đoạn sản xuất, duy trì được năng lực xuất khẩu. Nhờ vậy hàng Việt chớp thời cơ lấp vào chỗ trống khi ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh.
“Bản thân các đơn vị ngành gỗ nước ta thay đổi nhanh chóng, nhạy bén trong quảng bá và bán hàng phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Qua đó góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng tốt của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Không chỉ vậy, các nhà sản xuất gỗ VN mạnh dạn đầu tư, thường xuyên giới thiệu sản phẩm mới, tiện nghi hơn và phát triển nhiều kênh thương mại để thu hút khách hàng một cách hiệu quả” - ông Phương nhận định.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, cũng nhận định do rào cản kỹ thuật từ phía thị trường lớn Trung Quốc với nông sản VN nên các nhà xuất khẩu chuyển sang bán mạnh vào các thị trường khác, trong đó có thị trường Mỹ. Ngoài ra, thị trường Mỹ mua nhiều hàng VN còn do hàng hóa nước ta có những thế mạnh như nông sản tươi ngon, giá cạnh tranh.
“Mới đây nhất, công ty tôi đã xuất khẩu hai container với 40.000 trái dừa đi Mỹ và Hàn Quốc; 50 tấn thanh long đi Mỹ, Canada và 3 tấn chôm chôm sang thị trường Mỹ... Dự kiến trong năm nay chúng tôi sẽ đạt mức tăng trưởng 15%-20% tại thị trường này” - ông Tùng dẫn chứng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex - LA), cho biết thị trường Mỹ đầu năm liên tục gia tăng mua hạt điều VN. Hiện VN vượt qua Ấn Độ, chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường Mỹ.
“Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu theo hướng siết chặt để phòng chống dịch COVID-19 nên nhiều mặt hàng VN xuất sang thị trường này sụt giảm. Sản phẩm hạt điều hay các mặt hàng khác đều phải kiểm tra, kiểm dịch và khử trùng, mất nhiều thời gian, chi phí hơn” - ông Thanh nói.
Nhiều nhà xuất khẩu khác cũng cho hay trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, họ đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trực tuyến, phát triển chuỗi cung ứng khép kín. Nhờ đó dù dịch nhưng quá trình lưu thông hàng hóa, giao thương không bị đứt gãy và xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng trưởng khả quan.
Xuất khẩu của VN sang Mỹ gần đây tăng mạnh. Tuy nhiên, hàng hóa VN cần phải để ý đến việc tăng trưởng xuất khẩu không để phụ thuộc quá nhiều vào việc được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Doanh nghiệp cần lưu ý về xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ thay vì xuất khẩu gián tiếp từ Trung Quốc sang VN rồi từ VN qua Mỹ.
Bà AMANDA RASMUSSEN, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN
Không phải là thị trường “ăn xổi”
Mỹ đã trở thành quốc gia nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng nông lâm thủy sản của VN. Xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là tín hiệu đáng mừng vì nó cho thấy hàng nông sản Việt có sự chuyển hướng tích cực để chinh phục các thị trường khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng cao. Nhờ vậy hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc.
Tuy vậy, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của VN sang Mỹ chủ yếu là cao su, hạt điều, gỗ… Trong khi đó hàng loạt mặt hàng có thế mạnh khác như trái cây, gạo còn khá khiêm tốn. Ví dụ, từ năm 2008 Mỹ đã mở cửa thị trường cho mặt hàng trái cây tươi của VN nhưng sản lượng xuất khẩu còn ít. Bởi muốn xâm nhập vào thị trường khó tính này phải đáp ứng nhiều điều kiện từ vùng trồng, nhà máy, khách hàng cho đến các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, an toàn vệ sinh thực phẩm... Điều này có nghĩa Mỹ không phải là thị trường dành cho những công ty “ăn xổi, đánh quả”.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tanimex - LA, cho rằng doanh nghiệp Việt nên đa dạng mặt hàng đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản... chứ không nên tranh mua, tranh bán.
“Ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm đạt các chứng nhận VietGAP, Global G.A.P... cũng như các chứng nhận mang tính riêng biệt của từng quốc gia nhập khẩu thì hàng nông sản như hạt điều cần có những công ty đầu tàu dẫn dắt ngành hàng, có vị thế trên thị trường thế giới để giữ giá cho hàng Việt” - ông Thanh góp ý.
Không tiếp tay cho gian lận thương mại
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của VN đạt hơn 48,5 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, không chỉ nông lâm thủy sản mà nhiều mặt hàng khác xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng mạnh. Nhờ đó tính chung trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 14,2 tỉ USD, tăng hơn 38% so với cùng kỳ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để xuất khẩu được vào Mỹ, doanh nghiệp VN cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ... Tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng các cam kết quốc tế về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Không tiếp tay cho hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang VN để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba.
TS. Đào Văn Cường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn