1- Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại đình chiến gọi là giai đoạn 1
Ngày 15/1 đã trở thành dấu mốc mang tính lịch sử trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung sau 2 năm thương chiến khốc liệt khi thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được ký kết. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 14/2 đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng cho các cam kết thương mại, làm dịu căng thẳng trong cuộc chiến thuế quan.
2 - Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và cuộc đua sản xuất vắc-xin trên toàn cầu
Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới, dẫn đến phong tỏa biên giới giữa các quốc gia và giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Các nhà kinh tế dự báo dịch bệnh sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu. Dù tín hiệu ban đầu về sản xuất vắc - xin trong những tháng cuối năm 2020 đã mang lại hy vọng lạc quan để thế giới vượt qua dịch bệnh, nhưng đó vẫn còn là câu chuyện của tương lai gần khi mà làn sóng thứ hai và thứ ba đang xuất hiện ở châu Âu, Mỹ và các khu vực khác.
3 - Dấu ấn ASEAN 2020 qua vai trò Chủ tịch của Việt Nam
Năm 2020 là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN kể từ khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực. Trong bối cảnh đặc biệt của năm nay và sự gián đoạn do đại dịch Covid-19, ASEAN đang định vị thành công và tạo nên một thương hiệu riêng trên thế giới, thông qua việc hài hòa sự đa dạng trong cùng một khối thống nhất. Bằng những biện pháp khéo léo và linh hoạt, Việt Nam trong năm 2020 đã giúp ASEAN duy trì được mối quan hệ cân bằng với các nước lớn; điều hòa và giảm thiểu áp lực từ sự cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn đối với ASEAN thông qua việc nhấn mạnh và đề cao nguyên tắc cơ bản của ASEAN. Bên cạnh đó, Việt Nam dẫn dắt và củng cố sự đoàn kết, đồng thuận của ASEAN để giải quyết thách thức chung của khu vực và thế giới.
4 - Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết sau 8 năm đàm phán
Ngày 15/11, tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 4, các nhà lãnh đạo của 15 nước ở châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới qua hình thức trực tuyến, khép lại 8 năm đàm phán “bằng máu, mồ hôi và nước mắt”. Dù Ấn Ðộ không tham gia ký kết hiệp định này nhưng cánh cửa để trở lại RCEP của Ấn Ðộ vẫn rộng mở. Hiệp định được ký trong bối cảnh chủ nghĩa thương mại đa phương đang thoái trào đã khẳng định vị thế địa kinh tế và địa chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên bản đồ thế giới.
5 - Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 mang tính lịch sử có thể thay đổi các quan hệ chiến lược trên thế giới
Sau 4 năm, nước Mỹ đã tiến hành cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 46 vào ngày 3/11. Với vai trò một cường quốc kinh tế và chính trị, cuộc bầu cử này thu hút sự quan tâm của toàn thế giới, không chỉ bởi cuộc chạy đua giữa các ứng viên mà còn bởi bối cảnh lịch sử của năm 2020. Kết quả chung cuộc là ông Joe Biden giành chiến thắng và sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021.
6 - Thỏa thuận thương mại lịch sử hậu Brexit cuối cùng đã được hoàn tất vào đêm 24/12, kết thúc tiến trình 5 năm để nước Anh rời khỏi EU
Dù thỏa thuận Brexit được ký kết vào cuối năm 2019 để Anh rời EU vào ngày 31/1/2020 nhưng về bản chất, Anh vẫn là thành viên của liên minh Hải quan và thị trường chung EU, do đó vẫn bị ràng buộc với nhiều quy định của khối. Tuy nhiên, Anh và EU đã cho thấy nỗ lực đến phút cuối để đạt được thỏa thuận nhằm giảm thiểu “thảm họa” có thể xảy ra sau Brexit, không chỉ tới kinh tế, thương mại và đời sống của người dân. Thỏa thuận lịch sử này có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
7 - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bất ngờ từ chức sớm và cuộc đua tìm người kế nhiệm bị chững lại
Sau khi Cơ quan Phúc thẩm WTO bị tê liệt vào cuối năm 2019 do không được bổ nhiệm các thẩm phán mới, vai trò của tổ chức này ngày càng bị lung lay khi các phán quyết sơ thẩm bị kháng cáo và “rơi vào quên lãng”. Giữa tháng 5, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo đã bất ngờ tuyên bố từ chức sớm một năm so với nhiệm kỳ và chính thức rời nhiệm sở vào ngày 31/8, mở đường cho “khoảng trống lãnh đạo” của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Các thành viên WTO “vội vã” bước vào giai đoạn tuyển chọn nhà lãnh đạo mới để hy vọng chọn được người kế nhiệm sớm nhất có thể. Tuy nhiên, giai đoạn lựa chọn cuối cùng đã bị chững lại khi Mỹ dành sự ủng hộ cho ứng viên Hàn Quốc Yoo Myung-hee, trong khi ứng viên Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala là người nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên WTO.
8 - Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đưa ra tầm nhìn 2040 và động thái của các nền kinh tế lớn
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 vào tháng 11 năm nay đã thông qua Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040 - văn kiện chính sách quan trọng được thiết lập để thay thế các Mục tiêu Bogor sẽ đến hạn vào cuối năm 2020. Tầm nhìn APEC 2040 hướng tới xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai. Tầm nhìn này sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực…
9 - Cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động đến kinh tế khu vực và toàn cầu;
Sau khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung “hạ nhiệt”, mối quan hệ giữa các nền kinh tế trên thế giới vẫn leo thang dưới nhiều hình thức, mức độ và phạm vi khác nhau, không chỉ xuất hiện giữa các tranh chấp thương mại truyền thống như Mỹ với Liên minh châu Âu mà đã xảy ra giữa các đối tác như Trung Quốc và Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
10 - Bất chấp khó khăn, các hiệp định thương mại tự do mới đã được ký kết, phê chuẩn và thực thi, thể hiện sinh động xu hướng hợp tác và đối thoại.
Năm 2020, bên cạnh Hiệp định RCEP được ký kết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực khác cũng có nhiều tiến triển tích cực. Cụ thể, EU và Việt Nam đã phê chuẩn và thực thi EVFTA - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên của EU với một nước đang phát triển; Vương quốc Anh, để “dọn đường” cho việc rời khỏi EU, đã thúc đẩy đàm phán và hoàn tất các FTA song phương với gần 60 đối tác, trong đó có Việt Nam, khẳng định quyết tâm gia nhập Hiệp định CPTPP vào đầu năm 2021.
Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông