Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song kim ngạch thương mại với khu vực Á – Âu trong 11 tháng năm 2021 vẫn tăng trưởng ấn tưởng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu của các nước khu vực này. Vì vậy, dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khu vực Á – Âu còn rất lớn.
Dư địa còn lớn
Tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2020, ngày 22/12/2021, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á – Âu năm 2021, được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Diễn đàn nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam thông tin cập nhật về chính sách tại các nước khu vực Á – Âu trong bối cảnh nền kinh tế cả thế giới đã và đang có những thay đổi căn bản để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thị trường Á – Âu (Eurasia) là thị trường truyền thống của Việt Nam trước đây và hiện nay được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng với rất nhiều dư địa. Eurasia là thị trường rộng lớn gồm 28 nước, trải dài từ Đông Âu sang Trung Á.
“Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ vững chắc làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm Hiệp định tự do thương mại (FTA) Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan) (EAEUFTA) và FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA); Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA); 14 ủy ban hỗn hợp/ ủy ban liên Chính phủ và 1 cơ chế tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Đây là cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước Á - Âu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.”- ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Á – Âu đạt 12,7 tỷ USD tăng 20,4% so với năm 2019, chiếm 2,3% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,2% đạt 8,9 tỷ USD.
Mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, song 11 tháng năm 2021, kim ngạch thương mại với khu vực Á - Âu vẫn tăng trưởng ấn tượng, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 12,7 tỷ USD tăng 13,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD tăng 10%, nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. “Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.345 tỷ USD của các nước trong khu vực (chỉ chiếm 0,66% thị phần). Vì vậy, dư địa cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.”- ông Tạ Hoàng Linh đánh giá.
Liên bang Nga là đối tác chính trong Liên minh kinh tế Á – Âu, trong những năm gần đây, người dân Nga ngày càng yêu thích món ăn Việt Nam. Ông Dương Hoàng Minh – Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga – cho biết, trong những năm gần đây, người dân Nga càng yêu thích món ăn Việt Nam. Theo đánh giá sơ bộ, có 800-900 nhà hàng bán món ăn Việt như phở, nem, cơm, bưởi, thanh long, cà phê, bia… Ngoài ra, các loại trái cây sấy dẻo Việt Nam có chất lượng tốt như xoài sấy, mãng cầu… từng bước thâm nhập tốt tại thị trường Nga.
“Đặc biệt, vừa qua, Liên minh kinh tế Á – Âu đã đưa 76 nước trong đó có nhiều nước đối thủ của Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa vào Nga, Liên minh kinh tế Á - Âu như Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Peru, Chi lê … ra khỏi các nước hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập của khối. Trong khi đó, sau 5 năm thực hiện EAEUFTA, phần lớn sắc thuế của Việt Nam xuất sang khu vực này được hưởng 0%, đây là thuận lợi cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang Nga, đặc biệt hàng nông lâm thủy sản”- ông Dương Hoàng Minh chia sẻ thêm.
Một trong thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang Liên minh kinh tế Á- Âu là Ucraina. Theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch song kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và Ucraina vẫn đạt 650 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ, tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn, khi chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch thương mại của Ucraina với thế giới.
Theo bà Natalia Zhynkina- Đại biện Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam, quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế 2 nước vẫn còn nhiều tiềm năng, chưa khai thác hết dư địa của mối quan hệ này. Bởi Việt Nam đã ký kết FTA với Liên minh kinh tế Á- Âu trong đó có yêu cầu chứng nhận mặt hàng theo tiêu chuẩn của EU. Ucraina cũng có 1 hiệp định thương mại với EU và có yêu cầu chứng nhận tương tự. Cho nên, mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường Ucraina.
“Ucraina có nhu mua nhiều sản phẩm nông sản. Trong năm 2021 nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD mặt hàng nông sản nhưng từ Việt Nam mới chỉ 900 triệu USD, con số này rất nhỏ. Điều này cho thấy còn rất nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa”- bà Natalia Zhynkina nhấn mạnh.
Trong khu vực thị trường Á – Âu, Hy Lạp và Bungaria là cửa ngõ cho Việt Nam thâm nhập vào khu vực Tây Ban Căng. Đây cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường Tây Ban Căng. Ông Phạm Tuấn huy – Bí thư thứ nhất , phụ trách thương mại Việt Nam tại Bulgaria – thông tin thêm, hiện nay, Hy Lạp và Bungaria đang có ý tưởng xây dựng ngôi nhà Việt Nam hoặc khu trưng bày hàng hóa Việt Nam tại hai nước này do chính đối tác Bulgaria và Hy Lạp tài trợ về mặt bằng xây dựng, phí vận hành bảo dưỡng duy trì. Đây là cơ hội tốt nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt Nam tới người dân nước sở tại và du khách quốc tế.
Tận dụng hiệu quả cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu
Để tận dụng tối đa ưu đãi từ các FTA, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, ông Dương Hoàng Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia nhiều hơn triển lãm chuyên ngành tại Nga. Bên cạnh đó nên hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga để tìm hiểu thị trường, giới thiệu, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của mình tại Liên minh Kinh tế Á - Âu. Về sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nên mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều, bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng…
“Ngoài ra, khi xuất khẩu sang Ucraina nói riêng và khu vực Kinh tế Á – Âu nói chung, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm chắc tiêu chí và yêu cầu đối với hải quan. Nếu có vấn đề phát sinh thì nên liên hệ với cơ quan chức năng để được giải quyết nhanh nhất” – bà Natalia Zhynkina cho biết thêm.
Một trong những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu sang thị trường này chính là lựa chọn logistics hiệu quả. Tại Diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin đến tuyến đường sắt liên vận quốc tế Á - Âu. Theo đó, hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt từ Việt Nam, thông qua 2 cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt Á - Âu, qua Trung Quốc đến các nước Trung Á (Kazakhstan, Tajikistan), Nga và các nước châu Âu. Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, thì vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Với thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển, chi phí ngày càng phù hợp khi lượng hàng hóa gia tăng, tính ổn định và an toàn cao, vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á – Âu đã trở thành một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước Á-Âu.
Ông Nguyễn Đình Vượng – Phó Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH SITC Bondex Vietnam – chia sẻ, với lộ trình vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt và đường bộ kết hợp, thời gian tiết kiệm hơn so với vận chuyển đường biển và chi phí cũng rẻ hơn so với đường hàng không.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng chia sẻ về việc ứng dụng thương mại điện tử trong việc xuất khẩu hàng hóa vào các nước Á - Âu, thích ứng với “nền kinh tế không tiếp xúc”. Đại diện Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Ozon của Nga đã giới thiệu cách thức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn thương mại điện tử của Nga để tìm kiếm khách hàng, xuất khẩu, phân phối và bán hàng vào thị trường này. Ngoài ra, các Thương vụ Việt Nam tại các nước khác trong khu vực cũng giới thiệu, chia sẻ thông tin về các sàn thương mại điện tử tại các thị trường này để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trên môi trường mạng.
Về cơ hội hợp tác đầu tư với khu vực Á- Âu, ông Đỗ Xuân Hoàng – Tổng giám đốc Công ty Mareven Food Centra, Chủ tịch Hội người Việt tại Nga, đã chia sẽ nhiều thông tin bổ ích về kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh và cơ hội hợp tác với các doanh nhân kiều bào tại Nga và các nước khu vực Á - Âu. Về hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đại diện Tập đoàn Skoda của Cộng hòa Séc thông tin về nhu cầu đầu tư, tìm kiếm các đối tác để đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Công ty mong muốn thông qua Diễn đàn có thể tìm kiếm thêm nhiều đối tác là doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác trong quá trình công ty xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Với nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại thị trường Á - Âu, ông Tạ Hoàng Linh khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và thị trường châu Âu - châu Mỹ nói chung và thị trường Á - Âu nói riêng.
Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT