Bất chấp đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn tăng trưởng trong 10 tháng năm 2021. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, Việt Nam và Ấn Độ vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong lĩnh vực về thương mại, nông, thủy sản… mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ sung cho nhau. Từ đó, góp phần sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD trong năm tới.
Mở rộng nhiều cơ hội hợp tác
Từ ngày 13-15/12, Cục Xúc tiến Công nghiệp và Nội thương, Bộ Công Thương phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đối tác “Partnership Summit 2021” lần thứ 27 với chủ đề “Hợp tác xây dựng một thế giới mới: Tăng trưởng, tính cạnh tranh, tính bền vững và công nghệ” qua hình thức trực tuyến. Hội nghị có sự tham gia của gần 200 diễn giả từ hơn 40 quốc gia, với sự tham gia của hơn 20 bộ trưởng nước ngoài, 7 bộ trưởng Ấn Độ và 25 CEO và hơn 100 chuyên gia lãnh đạo từ các tổ chức trên thế giới.
Trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh đối tác, ngày 14/12, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức phiên thảo luận và giao thương chuyên đề về Việt Nam với chủ đề “Cơ hội hợp tác kinh doanh Việt Nam - Ấn Độ trong kỷ nguyên mới - hậu Covid-19”.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, năm 2022 là một năm đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, hai nước kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, đồng thời Ấn Độ sẽ kỉ niệm 75 năm ngày độc lập. Đây là sự kiện quan trọng ngay trước thềm chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ đến Ấn Độ kể từ ngày 15 - 19/12/2021. Tháp tùng Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao gồm Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo các địa phương cùng hơn 120 doanh nhân, doanh nghiệp. Chuyến thăm này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội kể từ sau khi nhậm chức, và đây là chuyến thăm lãnh đạo cấp cao sau 4 năm kể từ năm 2018. Do đó, qua chuyến thăm này, chúng tôi rất kỳ vọng chuyến thăm sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
“Đây là một cơ hội tốt để hai quốc gia cùng xem xét lại quan hệ thương mại song phương, hướng tới sự cân bằng hơn trong quan hệ thương mại”- Đại sứ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.
Hiện nay, Ấn Độ là 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Ấn Độ trên toàn cầu và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gần 3 lần trong 10 năm qua từ mức 2,7 tỷ USD năm 2010 lên mức trên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, nhưng thương mại hai nước vẫn tăng gần 40% trong 10 tháng năm 2021, đạt gần 11 tỷ USD. Kỳ vọng thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm tới khi hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.
Mặc dù vậy, Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy. Đặc biệt, trong lĩnh vực về thương mại, nông, thủy sản còn rất nhiều dư địa mà Việt Nam và Ấn Độ có thể bổ sung cho nhau.
“Việt Nam đang mong muốn chuyển sang tiếp xúc với các sản phẩm nông thủy sản bao gồm trái cây, thực phẩm tươi sống, trà, cà phê, gia vị, ngũ cốc và các loại hạt, cá basa. Những sản phẩm này phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người Ấn Độ, đây có thể là đầu vào cho các doanh nghiệp Ấn Độ hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại nông thủy sản. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh các thủ tục mở cửa thị trường, trước hết đối với các mặt hàng đã nộp hồ sơ kỹ thuật đàm phán nhập khẩu”- Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Sajay Budhia - Chủ tịch, Ủy ban Quốc gia CII về xuất khẩu, nhập khẩu, 5 lĩnh vực hợp tác triển vọng của Việt Nam và Ấn Độ gồm: Thứ nhất, ưu tiên xây dựng chuỗi chung ứng kỹ thuật số để hội nhập khu vực sâu rộng hơn. Thứ hai, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng hậu cần, đa dạng chuỗi cung ứng, nâng tầm quan trọng của tuyến thương mại Việt Nam - Ấn Độ. Thứ ba, mở rộng hợp tác trong chăm sóc sức khỏe, dược phẩm. Thứ tư, khám phá các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Thứ năm là hợp tác trong công nghệ và số hóa, thanh toán kỹ thuật số. Ấn Độ có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo ra một hệ thống tích hợp với giao diện thống nhất mang lại lợi ích lớn, cho phép chuyển tiền liên tục xuyên biên giới. Khuyến khích đổi mới trong thanh toán và cho phép các công ty fintech mở rộng kỹ năng và hoạt động. Ấn Độ có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống kỹ thuật số đáng tin cậy thông qua thương mại kỹ thuật số đầu cuối.
Ngoài ra, lĩnh vực về y tế cũng được hai bên rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh thách thức từ dịch bệnh Covid-19. Theo ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn hợp tác với phía Ấn Độ trong việc nghiên cứu phát triển vaccine.
Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam
Tại phiên thảo luận, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ bày tỏ quan tâm đến hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, Việt Nam mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ bởi Việt Nam có tình hình chính trị an ninh ổn định, lực lượng lao động trẻ với tay nghề cao, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dễ đào tạo. Việt Nam là điểm đến thu hút của nhiều nhà đầu tư kinh doanh thế giới. Bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt mức 600 tỷ USD vào cuối tháng 10/2021. Hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp Việt Nam đang dần trở lại mức bình thường như trước khi có dịch.
Là một nhà cung cấp giáo dục trong lĩnh vực truyền thông, trò chơi và hiệu ứng hình ảnh giải trí và hình ảnh của Ấn Độ, Aptech đã có chặng đường dài với nỗ lực, thành công tại Việt Nam hơn 20 năm qua. Ông Anuj Kacker - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Aptech Ltd - cho biết, với sự quan tâm từ phía chính phủ và người dân Việt Nam, Aptech đã có những thành công tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy các doanh nghiệp Ấn Độ cũng có thể thành công tại Việt Nam.
Ông Indronil Sengupta - đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Invesify - hy vọng, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Ấn Độ muốn phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh như năng lượng, dược phẩm, cơ sở hạ tầng.
Với những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, tuy nhiên để hiện thực hóa những cơ hội này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, Việt Nam và Ấn Độ cần duy trì sự ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô bằng cách giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, thể chế, pháp lý nội bộ, và nguồn nhân lực. Liên quan đến chuỗi cung ứng cần đa dạng và giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là hậu cần và chi phí hành chính, đồng thời hướng tới một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến nền kinh tế, thương mại, đầu tư và các dòng tài chính toàn cầu. Các luồng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới đã bị tác động sâu sắc, từ đó thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp. Hội nghị Thượng đỉnh đối tác 2021 là cơ hội để xây dựng lại quan hệ đối tác cho thế giới mới này.
Trong 2 ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh đối tác 2021, các diễn giả đã trình bày các chính sách kinh tế lớn mà Ấn Độ đã thiết lập trong năm qua, quan hệ kinh tế thế giới, sự phát triển của vaccine và thuốc chữa bệnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tác động mạnh mẽ đến kinh tế thế giới. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về định hình kinh tế trong tương lai, trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực như sản xuất, cơ sở hạ tầng, logistics, chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ cao, thuốc - dược phẩm và vaccine, dịch vụ, du lịch cũng như các lĩnh vực về năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
Đây là cơ hội tốt cho các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như trao đổi cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh.
Gia Tùng, Bộ Công Thương