Tin tức

Algeria là quốc gia rộng lớn nhất châu Phi với diện tích 2.381.741km2, sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú trong đó nhiều nhất là dầu khí. Bên cạnh khai thác vàng đen, chính phủ nước này còn kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm, nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất dệt may, da giày, năng lượng tái tạo...

Với cơ sở hạ tầng khá hiện đại (đường cao tốc, cảng biển, sân bay quốc tế…) so với phần lớn các nước châu Phi khác, Algeria có nhiều cơ hội trở thành cửa ngõ để hàng hóa các nước thâm nhập châu Phi, đặc biệt là khi Hiệp định Tự do mậu dịch lục địa châu Phi gồm 54 quốc gia thành viên sẽ bắt đầu được thực thi từ ngày 1/1/2021.

Tương tự, Algeria cũng có vị trí thuận lợi rất gần với châu Âu và có ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về thủ tục đầu tư vào quốc gia Bắc Phi này, sau đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria giới thiệu những quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường Algeria.

Luật đầu tư của Algeria dựa trên các quy định chính đã được luật quốc tế thừa nhận như bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nguyên tắc về tự do đầu tư, không kỳ thị và đối xử công bằng.

Chẳng hạn, điều 21 của Luật số 2016-09 ngày 3/8/2016 quy định những thể nhân và pháp nhân nước ngoài được đối xử giống như các thể nhân và pháp nhân của Algeria. Những bảo đảm này có thể tìm thấy trong các hiệp định đầu tư song phương mà Algeria ký với một số nước trên cơ sở mẫu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

2623-qte

Thiết lập quan hệ đối tác là hình thức đầu tư khá phổ biến

Luật tài chính bổ sung năm 2009 đã chuyển đổi sâu sắc chế độ về đầu tư nước ngoài khi áp đặt việc thiết lập quan hệ đối tác là cách thức duy nhất đối với FDI, trong đó đối tác Algeria phải nắm giữ ít nhất 51% tổng vốn góp.

Đối tác tại Algeria có thể là một hoặc nhiều thể nhân (người Algeria sống tại Algeria) hoặc pháp nhân (công ty thành lập theo luật Algeria trong đó mọi cổ đông là người Algeria định cư tại nước này).

Luật tài chính bổ sung năm 2009 chi phối tất cả các lĩnh vực, kể cả ngân hàng và bảo hiểm. Luật áp dụng cho các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ và kể từ năm 2014, áp dụng mở rộng sang hoạt động ngoại thương. Theo Luật số 2016-09 ngày 3/10/2016 về xúc tiến đầu tư, việc mua tài sản có nhằm tạo ra các hoạt động mới hoặc mở rộng năng lực sản xuất và/hoặc nâng cấp cũng như tham gia vào vốn của một công ty được xem là “đầu tư”.

Luật số 2016-09 đã bãi bỏ một số điều của pháp lệnh số 01-03 ngày 20/8/2001 về phát triển đầu tư gọi chung là “Bộ luật đầu tư”.

Với quy định mới này, mọi sửa đổi đăng ký kinh doanh đều phải tuân thủ quy tắc 51/49%. Tuy nhiên, nghĩa vụ này không áp dụng với những sửa đổi sau đây:

  • Thay đổi vốn công ty mà không làm thay đổi tỷ lệ phân chia vốn góp;
  • Nhượng lại hoặc trao đổi cổ phần bảo đảm giữa những người quản lý cũ và mới theo điều 619 Bộ Luật thương mại;
  • Loại bỏ một hoạt động hoặc thêm vào một hoạt động có liên quan;
  • Thay đổi hoạt động sau khi sửa đổi danh mục các hoạt động của một công ty;
  • Chỉ định giám đốc hoặc các lãnh đạo công ty;
  • Thay đổi địa chỉ trụ sở công ty.

Kể từ tháng 10/2017, Hội đồng tham gia của nhà nước (CPE) đã đưa ra một loạt các biện pháp liên quan đến việc áp dụng quy định 51/49% và Luật nhà nước được quyền ưu tiên mua trong trường hợp nhà đầu tư bán lại cổ phần nhằm thúc đẩy các hoạt động có thể được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mà không cần tuân theo hai quy định nói trên.

Đối với các công ty có vốn nước ngoài thành lập trước khi ban hành Luật tài chính bổ sung năm 2009, các hoạt động dưới đây không bị chi phối bởi luật Nhà nước được quyền ưu tiên mua lại cổ phần khi các công ty này tiến hành sửa đổi đăng ký kinh doanh (không yêu cầu việc góp vốn phải phù hợp với quy định 51/49%):

  • Nhượng lại hoặc trao đổi cổ phần bảo đảm giữa những người quản lý cũ và mới theo điều 619 Bộ Luật thương mại và giá trị các cổ phiếu này không vượt quá 1% số vốn công ty;
  • Việc chuyển nhượng tài sản có hình thành nên vốn kỹ thuật mua được nhờ những ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu thực hiện hoạt động đầu tư đã được triển khai quá thời hạn ưu đãi (5 năm hoặc 10 năm tùy theo trường hợp) hoặc quá thời hạn khấu hao (điều 29 Luật về xúc tiến đầu tư);
  • Việc chuyển nhượng cổ phần hoặc phần vốn công ty do người nước ngoài thực hiện cho người Algeria (điều 30 Luật về xúc tiến đầu tư);
  • Thay đổi tên cổ đông hoặc tên công ty cổ phần trong một công ty thành lập theo luật Algeria mà không thay đổi cấu trúc quan hệ đối tác;
  • Thay đổi thành phần Hội đồng quản trị;
  • Chỉ định chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc chủ tịch Hội đồng giám sát;
  • Loại bỏ một hoạt động hoặc thêm vào một hoạt động liên quan;
  • Thay đổi hoạt động sau khi thay đổi danh mục các hoạt động;
  • Chỉ định giám đốc hoặc các lãnh đạo của công ty;
  • Thay đổi tên công ty thành lập theo luật Algeria mà không thay đổi cấu trúc quan hệ đối tác;
  • Thay đổi địa chỉ trụ sở công ty.

Các công ty liên doanh được thành lập theo chế độ 51/49% không cần phải có sự đồng ý của chính quyền đối với các hoạt động sau:

  • Nhượng lại cổ phần hoặc cổ phiếu do cổ đông nước ngoài thực hiện đối với các cổ đông nước ngoài khác trong trường hợp việc nhượng lại một phần vốn công ty vẫn nằm trong giới hạn tối đa là 49%.

Mặt khác, tái khẳng định nguyên tắc các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ và nhập khẩu bởi người nước ngoài phụ thuộc vào việc thành lập một công ty trong đó đối tác người Algeria định cư trong nước phải nắm giữ ít nhất là 51% vốn góp.

Những quy định trên không áp dụng đối với các doanh nghiệp và các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí.

Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng quy định 51/49% đã được bãi bỏ vào tháng 6/2020 đối với những lĩnh vực không mang tính chiến lược tại Algeria theo Luật tài chính sửa đổi năm 2019.

Những quy định về tài trợ đầu tư

Các khoản đầu tư nước ngoài tại Algeria phải được tài trợ bằng nguồn vốn duy nhất vay tại Algeria trừ phần vốn góp thành lập công ty. Các khoản vay từ bên ngoài bị cấm kể từ khi có Luật tài chính bổ sung năm 2009.

Tuy nhiên, điều 55 của Luật tài chính 2016 cũng quy định các doanh nghiệp thành lập theo luật Algeria có khả năng tìm nguồn tài trợ nước ngoài để thực hiện các khoản đầu tư chiến lược tùy từng trường hợp sau khi có sự đồng ý của chính phủ Algeria.

Chế độ ưu đãi thuế

Luật số 2016-09 ngày 3/8/2016 liên quan đến xúc tiến đầu tư quy định dành những ưu đãi thuế và tương tự thuế cho các dự án đầu tư tại Algeria. Mọi pháp nhân hoặc thể nhân dù thường trú hay không thường trú tại Algeria muốn thành lập một công ty theo luật Algeria để sản xuất hàng hoặc hoặc dịch vụ có thể được hưởng những ưu đãi do Cơ quan Quốc gia về Phát triển Đầu tư (ANDI) quy định.

Để nhận được những ưu đãi này chỉ cần làm đơn kèm theo tờ khai đầu tư (bắt buộc) tải về từ website của ANDI (www.andi.dz). Những bản in này sau khi điền phải được nộp tại dịch vụ Một cửa của địa phương có thẩm quyền kèm theo danh sách các hàng hóa và dịch vụ cần mua thì có thể được miễn thuế.

Tuy nhiên, Nghị định thực thi số 17-102 ngày 5/3/2017 quy định những thể thức đăng ký đầu tư cũng như giấy chứng nhận liên quan nêu rõ việc đăng ký đầu tư mà tổng số tiền bằng hoặc cao hơn 5 tỷ đina –DZD (tỷ giá 1 USD =128 DZD tháng 11/2020) cũng như các khoản đầu tư có lợi ích đặc biệt đối với nền kinh tế quốc gia chỉ được thực hiện sau khi có quyết định của Hội đồng Đầu tư quốc gia (CNI).

Những quy định của ANDI nêu ra 02 chế độ ưu đãi. Trong khuôn khổ chế độ chung, những ưu đãi này được cấp:

  • Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, miễn thuế hải quan và thuế VAT đối với hàng hóa và dịch vụ được nhập khẩu hoặc mua tại Algeria để tham gia trực tiếp vào việc thực hiện đầu tư; miễn thuế chuyển giao đối với tất cả các hoạt động mua bất động sản đã thực hiện;
  • Trong giai đoạn khai thác đầu tư, miễn thuế lợi nhuận công ty (IBS), miễn thuế hoạt động nghề nghiệp (TAP) và giảm 50% tổng số tiền thuê đất hàng năm trong thời gian 3 năm.

Nghị định thực thi số 17-105 ngày 5/3/2017 quy định các thể thức áp dụng những ưu đãi bổ sung trong việc khai thác các dự án đầu tư tạo ra trên 100 việc làm, theo đó sẽ tăng thời gian miễn thuế trong giai đoạn khai thác lên 5 năm nếu tạo ra hơn 100 việc làm từ ngày đăng ký đầu tư đến khi kết thúc năm khai thác đầu tiên.

Những dự án đầu tư cũng có thể được miễn giảm thuế nhiều hơn theo chế độ “đặc biệt” áp dụng đối với:

  • Các khoản đầu tư thực hiện trong các vùng cần phát triển như các tỉnh Adrar, Biskra, Bechar, Ghardaia, Illizi, Laghouat, Ouargla, Tamanrasset, Tindouf, Batna và Djelfa.
  • Các khoản đầu tư có lợi ích đặc biệt đối với nền kinh tế quốc gia nhất là khi sử dụng công nghệ sạch có khả năng bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và đem lại sự phát triển bền vững.

Cũng cần nhấn mạnh rằng kể từ khi ban hành Luật tài chính 2016, các nhà đầu tư đã được hưởng những ưu đãi trong giai đoạn khai thác (ngoài những ưu đãi về thuế hải quan và VAT) có nghĩa vụ tái đầu tư 30% lợi nhuận tương ứng với khoản thuế lẽ ra phải nộp do được miễn giảm. Nghĩa vụ này phải được tôn trọng trong giai đoạn 4 năm.

Nghị định thực thi số 17-101 ngày 5/3/2017 cũng quy định danh mục các hoạt động kinh tế mà những dự án đầu tư không được hưởng ưu đãi, nhất là sản xuất thép, nước khoáng, các hoạt động lắp ráp không đáp ứng được tỷ lệ nội địa theo quy định hiện hành… cũng như danh mục các hàng hóa không được hưởng đặc quyền như phương tiện vận tải hàng hóa và người, trang thiết bị công nghiệp cơ khí, điện tử và điện. Để được miễn giảm thuế, nhà đầu tư cần nhận được quyết định miễn giảm của Bộ Công nghiệp sau khi gửi hồ sơ liên quan đến cơ quan này.

Quyền ưu tiên được mua lại của Nhà nước Algeria

Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước Algeria có quyền được ưu tiên mua lại mọi tài sản chuyển nhượng do các cổ đông nước ngoài thực hiện hoặc bán lại cho các cổ đông nước ngoài trong các công ty thành lập theo luật Algeria cũng như đối với những tài sản chuyển nhượng bên ngoài lãnh thổ Algeria của các công ty nắm giữ cổ phần bên trong các công ty thành lập theo luật Algeria đã được miễn thuế từ Cơ quan quốc gia về phát triển đầu tư (ANDI).

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tháng 6/2020, trong khuôn khổ Luật tài chính bổ sung, chính phủ Algeria đã loại bỏ quy định 51/49 áp dụng từ năm 2009, theo đó doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào nước này bắt buộc phải liên doanh với đối tác địa phương và chỉ được nắm giữ 49% trong tổng vốn góp. Việc loại bỏ quy định này là một bước tiến đáng kể nhằm cải thiện sự hấp dẫn của nền kinh tế Algeria đối với dòng vốn FDI.

Theo một báo cáo mới đây của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Algeria năm 2019 đã giảm nhẹ, đạt 1,382 tỷ USD (so với 1,466 tỷ USD năm 2018).

Kể từ đầu năm 2020, tình hình kinh tế Algeria ngày càng trở nên khó khăn: Thu ngân sách và dự trữ ngoại hối giảm mạnh do giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng, đồng bản tệ đina mất giá so với đồng euro và chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì trợ cấp xã hội. Đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho kinh tế Algeria càng thêm suy yếu. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra thận trọng trong việc quyết định đầu tư vào Algeria.

Điểm mới trong chính sách thu hút FDI của Algeria

Nhằm tăng cường thu hút FDI, đầu tháng 6/2020, chính phủ Algeria đã quyết định loại bỏ quy định 51/49. Cụ thể, theo Luật tài chính bổ sung năm 2020, trừ các hoạt động mua đi bán lại sản phẩm (nhập về bán lại nguyên trạng), kinh doanh sản phẩm mang tính chiến lược và thuộc các lĩnh vực được xác định trong Luật theo đó quy định cổ đông người Algeria phải nắm giữ 51% số vốn, thì mọi hoạt động khác liên quan đến sản xuất và dịch vụ đều được mở cho nhà đầu tư nước ngoài mà không cần có sự cam kết phải thiết lập đối tác với một bên là người địa phương.

Mặt khác, Luật tài chính bổ sung cũng loại bỏ quyền ưu tiên được mua áp dụng từ năm 2009 do Nhà nước được hưởng trong trường hợp đối tác nước ngoài nhượng lại cổ phần. Đồng thời, Luật hủy bỏ nghĩa vụ phải sử dụng các nguồn vốn địa phương để tài trợ các dự án đầu tư nước ngoài tại Algeria.

Những lĩnh vực được xem là chiến lược bao gồm khai thác mỏ và mọi tài nguyên ngầm hay trên mặt đất (trừ những mỏ không sản xuất khoáng sản), các hoạt động đầu vào thuộc lĩnh vực năng lượng và tất cả các lĩnh vực khác chịu sự chi phối của luật về dầu khí hidrocacbon, các hoạt động khai thác mạng lưới phân phối, vận chuyển năng lượng điện bằng đường cáp và hidrôcacbon dạng khí hoặc lỏng bằng đường ống trên mặt đất hoặc ngầm, các ngành công nghiệp gắn liền với công nghiệp quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý, đường sắt, cảng, sân bay và ngành công nghiệp dược (ngoại trừ các khoản đầu tư gắn liền với hoạt động sản xuất những sản phẩm cơ bản đổi mới có giá trị gia tăng cao, đòi hỏi công nghệ phức tạp).

Thu Hiên, Tạp chí cộng sản