Tin tức

Việc cắt giảm thuế quan cao theo các hiệp định thương mại (FTA) đang gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong một số lĩnh vực; và số lượng vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) cũng ngày càng tăng.

Tăng cường biện pháp hỗ trợ

Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào rất nhiều FTA như ASEAN, ASEAN+, CPTPP và gần đây nhất là EVFTA, RCEP được đánh giá là một điểm nhấn quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vươn mình ra thế giới.

Tuy nhiên, đơn cử như với EVFTA do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu về mức 0%, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc PVTM giữa hai bên để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu. Mặt khác, khi hàng hóa ngoại nhập tràn vào Việt Nam do không vướng phải những rào cản thuế quan, các doanh nghiệp nội địa vốn yếu thế về công nghệ và kinh nghiệm, lại còn có nguy cơ gặp phải những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.

1755-thuong-mai
Tăng cường sử dụng công cụ PVTM góp phần bảo vệ các ngành sản xuất trong nước

Tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam ghi nhận và xử lý 193 vụ việc PVTM nước ngoài áp dụng, bao gồm 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Trong 9 tháng năm 2020, tổng số vụ việc mới khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 31 vụ, gấp gần 2 lần so với toàn bộ vụ việc khởi xướng năm 2019. Các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với hàng xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, EU, Ấn Độ, Canada và Australia, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc.

Nhận thức được những khó khăn, phức tạp của môi trường thương mại toàn cầu trong tình hình mới, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tăng cường công tác PVTM, bao gồm công tác điều tra áp dụng các biện pháp PVTM, công tác ứng phó với các vụ việc PVTM nước ngoài và công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp lợi dụng Việt Nam để lẩn tránh biện pháp PVTM, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

Trong đó, Cục PVTM, Bộ Công Thương đã quyết định triển khai nhiều phương án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như tính chủ động của doanh nghiệp về các công cụ PVTM từ đó điều tiết thị trường theo hướng lành mạnh và công bằng. Đồng thời, tập trung nguồn lực cho các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ quyền lợi của ngành sản xuất trong nước trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các đơn vị bị thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu. Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM - khẳng định, các biện pháp PVTM như một “liều kháng sinh” hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước có điều kiện tốt hơn để khắc phục các thiệt hại và cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

Doanh nghiệp phải chủ động ứng phó

Đến nay, các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò tích cực với nền kinh tế cũng như các ngành sản xuất, doanh nghiệp trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để phát huy hiệu quả hơn nữa công cụ, "lá chắn" PVTM, sự vào cuộc của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp trước các thách thức và nguy cơ kiện PVTM, cũng như các hành vi bán phá giá, trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu là hết sức quan trọng.

Đề cập về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, những năm gần đây, việc thực thi các công cụ PVTM đã có nhiều chuyển biến tích cực, cho thấy nhận thức của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. “Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ phía chính phủ, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về những biện pháp PVTM để có thể tự bảo vệ mình khi có dấu hiệu bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp” - ông Dũng nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - bà Nguyễn Thị Thu Trang - cũng đưa ra khuyến nghị, doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời thông tin các biểu hiện gian lận thương mại trong lĩnh vực của mình, phối hợp với cơ quan chức năng để phân tích, đánh giá tác động. Từ đó cùng các cơ quan chức năng khởi xướng điều tra hoặc áp dụng biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sự phát triển của các ngành sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh thêm, để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện PVTM, các doanh nghiệp cần thường xuyên liên lạc với VCCI, Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu. Qua đó hoạt động kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM, các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị rằng, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước; xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá. Đặc biệt, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM. Và phải luôn coi PVTM là một phần phải chuẩn bị trong chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, Cục PVTM luôn theo sát, hỗ trợ các doanh nghiệp bày tỏ quan điểm; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc.

Thành Long, Văn phòng BCĐ