Tin tức

Vương quốc Anh là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại.. của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam là thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn. Đây chính là cơ hội cho Việt Nam và Vương quốc Anh tăng cường hợp tác, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 bên lên mức cao hơn trong tương lai.

Thị trường tiềm năng

Hướng tới ổn định và phục hồi nền kinh tế thời kỳ sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là khai thác, tận dụng tốt cơ hội mang lại từ các thị trường xuất khẩu chiến lược, đương đầu hiệu quả với các thách thức, biến động của thị trường thế giới, ngày 10/6/2020, Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Anh - ASEAN (UKABC), Đại sứ quán Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức Hội thảo trực tuyến Triển vọng kinh tế - thương mại Việt Nam: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh.

4504-viet-nam-anh-quoc-hop-tac

​Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước Việt Nam, với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Sau hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bên cạnh những thành tựu to lớn mà hai nước đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển mỗi nước, quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương không ngừng được củng cố và phát triển. Trao đổi thương mại song phương năm 2017 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3,5 lần trong 10 năm.

Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương có xu hướng chậm lại. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 6,61 tỷ USD, giảm 1,64%. Trong đó xuất khẩu đạt 5,75 tỷ USD, giảm 0,38%, nhập khẩu đạt 857 triệu USD, giảm 10,67%.

​Dưới tác động của dịch Covid, 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 2,57 tỷ USD, giảm 19,87%. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 2,23 tỷ USD, giảm 19,8%, nhập khẩu đạt 337 triệu USD, giảm 20,25% so với cùng kỳ năm 2019. Trong cơ cấu thương mại hàng hóa, xuất khẩu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ cá nhân gia tăng.

Đến hết tháng 8 năm 2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng của Anh - một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới.

4633-viet-nam-anh-quoc-hop-tac1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học hàng đầu trên thế giới, trong quan hệ kinh tế đối ngoại, Vương quốc Anh là thị trường quan trọng và luôn là đối tác ưu tiên hợp tác của Việt Nam. Thị trường hai nước có mức độ bổ sung rất lớn. Vương quốc Anh là thị trường tiềm năng cho nhiều mặt hàng nông sản nhiệt đới, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời Việt Nam là thị trường cửa ngõ để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn.

Khẳng định cơ hội hợp tác giữa 2 nước là rất lớn, ông Warrick Cleine – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành KPMG Việt Nam – cho rằng, Việt Nam có tiềm năng không phải nước nào cũng có được, với nhiều thuận lợi về môi trường đầu tư, kinh doanh, ngoài ra, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, tạo điều kiện để thu hút các công ty Anh quốc đầu tư vào Việt Nam. Đây là thời điểm quan trọng để hai bên tăng cường hợp tác, thâm nhập thị trường.

Cà phê là 1 trong những mặt hàng mà thị trường Anh quốc có nhu cầu khá lớn, ông Craig Pitt – đại diện doanh nghiệp cà phê tại Anh quốc – cho biết, hiện có 43% khách hàng của Anh hoàn toàn đồng ý chi trả cho cốc cà phê có chất lượng cao hơn. Có rất nhiều cửa hàng, quán cà phê ở Anh xuất hiện. Đây chính là cơ hội hiện hữu cho các công ty cà phê Việt Nam chinh phục sâu vào thị trường Anh. Bởi thương hiệu cà phê của Việt Nam đã có uy tín và là 1 trong những nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, các công ty cà phê Việt Nam cần lưu ý về nguồn gốc, chất lượng cà phê, bởi người tiêu dùng ở Anh quốc đặc biệt quan tâm đến quy trình trồng cà phê, nguồn gốc xuất xứ có đảm bảo”- ông Cragi Pitt lưu ý.

Hay rau, củ, quả, mặt hàng đông lạnh, đã qua chế biến của Việt Nam cũng là mặt hàng khá tiềm năng khi xuất khẩu sang Anh quốc. Ngoài ra, hợp tác về năng lượng cũng là lĩnh vực triển vọng. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng khẳng định, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này, bởi doanh nghiệp Anh quốc có kinh nghiệm về năng lượng nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng. Trong khi đó, Việt Nam đang chuyển đổi nhiên liệu năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch hơn như năng lượng mặt trời, điện gió…

4701-viet-nam-anh-quoc-hop-tac3
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trao đổi với Đại sứ Anh tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ bên lề hội nghị

Triển vọng ký kết FTA Việt Nam – Anh vào cuối năm nay

Tại hội thảo, các diễn giải trao đổi thông tin, quan điểm một cách toàn diện về triển vọng kinh tế - thương mại của Việt Nam, cũng như các chính sách, biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương với Vương quốc Anh trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Vương quốc Anh đã chính thức rời EU vào ngày 31/01/2020 và triển vọng sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương thế hệ mới giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Việt Nam và Vương quốc Anh không ngừng nỗ lực thiết lập các khung khổ pháp lý về thuận lợi hóa thương mại song phương, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tránh gián đoạn các hoạt động kinh doanh thương mại và đầu tư của doanh nghiệp như xem xét áp dụng EVFTA trong giai đoạn chuyển tiếp và đàm phán FTA song phương Việt Nam – Vương quốc Anh.

Trước băn khoăn của một số doanh nghiệp về rủi ro pháp lý khi kể từ ngày 2/1/2021, cầu thương mại giữa Việt Nam và Anh “đứt gãy”, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho rằng, hiện nay, Việt Nam và Anh quốc đang cố gắng tối đa kế thừa Hiệp định EVFTA. Đàm phán giữa hai bên đã đi vào giai đoạn cuối cùng và còn một ít vấn đề cần giải quyết. Tuy nhiên, hai bên đều kỳ vọng ký kết Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh quốc vào cuối năm nay và có hiệu lực từ đầu năm 2021. Vì vậy, doanh nghiệp hai bên vẫn có thể kế thừa những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

Mặc dù về lời văn, hiệp định mới dự kiến kế thừa khoảng 99% dựa trên hiệp định cũ, tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, tác động nhiều lúc vượt quá lời văn, nằm ngoài dự kiến ban đầu. Hiện, cơ chế EU đang sử dụng GSP để cấp chứng nhận xuất xứ theo mẫu của EU, khi có FTA Việt Nam và Anh thì sẽ cấp mẫu của Anh. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra đó là hàng hóa đi sang EU sẽ gom 1 lô hàng, tổng kho có thể nằm ở Hà Lan, Bỉ… khi Anh có nhu cầu thì sẽ chia nhỏ lô hàng đó ra. Mẫu chứng nhận xuất xứ “trót” theo EU, vì vậy, để đáp ứng được thay đổi đó, doanh nghiệp phải tính toán trước thay đổi để xin giấy chứng nhận xuất xứ, hoặc xin bộ phận hải quan lưu lại giấy chứng nhận xuất xứ trong 1 thời gian sau đó”- ông Lương Hoàng Thái lưu ý với các doanh nghiệp Việt Nam.

Với nền tảng phát triển vững chắc và tiềm năng sẵn có của hai nước cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm của cơ quan nhà nước, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đạt được những mục tiêu và kỳ vọng mà Chính phủ hai nước đặt ra trong Tuyên bố về đối tác chiến lược Việt Nam – Vương quốc Anh đã ký giữa hai nước năm 2010 và 2020.

Mạnh Tiến, Bộ TTTT