Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) được đánh giá sẽ có tác động lớn đến ngành và thị trường tài chính, viễn thông Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp ngành này phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển được trên thị trường.
Sáng 23/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tổ chức hội thảo "Ngành tài chính - viễn thông Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ EVFTA".
Theo thống kê của VCCI, những cam kết của EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18% đến 3,25% trong giai đoạn từ 2019 - 2023; tăng từ 4,57% - 5,3% trong giai đoạn từ năm 2024 - 2028 và 7,07% - 7,72% trong giai đoạn năm 2029 - 2033.
Trong đó, các dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) và dịch vụ viễn thông là những nhóm dịch vụ có nhiều cam kết đáng chú ý theo hướng mở cửa thị trường Việt Nam ở mức cao hơn so với cam kết WTO. Tuy nhiên, EVFTA cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn tối thiểu trong quản lý nhà nước đối với các dịch vụ này, trong đó, EU là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính viễn thông. Vì vậy, EVFTA đươc dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai ngành và thị trường tài chính - viễn thông Việt Nam.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, trong EVFTA, cam kết liên quan đến dịch vụ tài chính, viễn thông nằm trong nhóm có cách thức tiếp cận đặc biệt. Theo đó, một mặt mở cửa tự do hóa các ngành này, mặt khác thì đây cũng là dịch vụ nhạy cảm gắn liền với sự ổn định của nền tài chính kinh tế quốc dân, an ninh thông tin, ảnh hưởng trực tiếp, tức thời tới mọi hoạt động kinh tế xã hội. Do đó, những ngành này luôn cần có sự kiểm soát thận trọng.
Nói về tác động của EVFTA tới ngành tài chính và viễn thông, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI cho rằng, về trực tiếp, ngành Tài chính sẽ không có tác động quá lớn về đầu tư nước ngoài do chỉ mở thêm duy nhất dịch vụ nhượng tái bảo hiểm, còn về mức cam kết sẽ không có gì thay đổi.
Còn đối với ngành viễn thông, sẽ không mở thêm lĩnh vực viễn thông nào mới, nhưng về mức cam kết sẽ không có thay đổi lớn trong 5 năm đầu. Sau đó, mức độ mở cửa sẽ cao hơn cam kết WTO về mức vốn nước ngoài trong liên doanh và dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng mở cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Ngoài ra, tác động gián tiếp mà EVFTA mang đến sẽ làm gia tăng nhu cầu dịch vụ; giúp cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ổn định hơn. Từ đó, kéo theo cơ hội đầu tư tại các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cơ hội hợp tác với các đối tác EU.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, ngành tài chính và viễn thông sẽ đứng trước những áp lực cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong bối cảnh hội nhập FTA.
Không chỉ thế, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn trong giao dịch và yêu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn cũng là những thách thức từ EVFTA mà nền kinh tế phải đối mặt. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ ràng, đầy đủ để có thể vận dụng cam kết trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, với dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Trong thời gian qua, với sự hiện diện của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thích ứng dần với sự cạnh tranh của thị trường. Việc mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội hợp tác và học hỏi của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Gia Anh, để tận dụng được cơ hội và vượt qua các thách thức, doanh nghiệp ngành tài chính phải chuyên nghiệp hóa và nâng cao dịch vụ; thiết kế và cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu khách hàng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ, ngân hàng điện tử, rà soát thường xuyên và nâng cao các kỹ thuật bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin./.
Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT