Tin tức

Giảm lượng nhập, xé nhỏ đơn hàng

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đạt 29,2 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Bộ Công Thương đánh giá: Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nên ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp rất nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc (chiếm 60%) cắt giảm lượng nhập hàng. Trong khi đó, mặt hàng may mặc cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng.

Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm thì thời điểm năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng.

"Tâm lý chung của người mua đều lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước", Bộ Công Thương nhận định.

Trong báo cáo sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra những phân tích chi tiết hơn về tình hình tiêu thụ khó khăn của ngành dệt may.

Cụ thể, tình hình chính trị, kinh tế thế giới bất ổn, đặc biệt tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết đã, đang và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có Vinatex và các đơn vị thành viên.

Trong 9 tháng vừa qua, các đơn vị sợi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các đơn vị xuất khẩu sợi sang Trung Quốc, giá sợi liên tục giảm. Mặc dù phía Mỹ mới có thông tin hoãn áp thuế (từ 25% lên 30%) với gói 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đến ngày 15/10, tuy nhiên đây chỉ là sự hòa hoãn tạm thời, chưa thực sự có tác động tốt lên thị trường sợi.

"Với tình hình ngành sợi đang theo chiều hướng xấu, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan càng gay gắt", Vinatex đánh giá.

Đối với các doanh nghiệp may, tuy khộng chịu tác động trực tiếp từ cuộc chiến thương mại nhưng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tính đến tháng 9, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Các đơn vị lớn như May 10, Đức Giang, Hòa Thọ, Hanosimex có đơn hàng đến tháng 11, chỉ có riêng Việt Tiến là có đơn hàng đến hết năm.

Đáng chú ý, hầu hết khách hàng khá thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn do nghe ngóng tình hình thế giới, đặc biệt ép giá thấp hơn so với năm 2018, dẫn đến lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm. Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia.

"Hụt hơi" mục tiêu 40 tỷ USD

Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, 9 tháng đầu năm, sản xuất và xuất khẩu dệt may đều duy trì sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do các đơn hàng liên tục thay đổi nên các doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp nhằm thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để phù hợp với tình hình.

Riêng về câu chuyện đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh mẽ trong năm nay, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá: Đó có thể xuất phát từ tác động của các Hiệp định thương mai tự do (FTA).

Các FTA, điển hình như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), ban đầu tưởng rằng sẽ có tác động mạnh, tuy nhiên, thực chất FTA này mới được ký kết chứ chưa có hiệu lực thực sự, hàng xuất khẩu vẫn chịu thuế. Khách hàng nhìn nhận các FTA mang đến nhiều cơ hội nhưng cơ hội chưa thật, Việt Nam mới chỉ ở dạng tiềm năng, nếu chuyển đơn hàng sang thị trường khác thì lợi ích cao hơn.

Vinatex dự báo, xuất khẩu dệt may cả năm sẽ đạt khoảng 39,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2018. Như vậy, xuất khẩu cả năm không đạt được mục tiêu như đã đề ra từ đầu năm là 40 tỷ USD.

Với riêng Vinatex, trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh cả năm nay của Tập đoàn sẽ không đạt được như kế hoạch đã đề ra.

Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 45.439,6 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch năm. Doanh thu (không thuế Giá trị gia tăng) đạt 49.184,3 tỷ đồng, bằng 97,7% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.896,3 triệu USD, bằng 97,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.281,55 tỷ đồng, bằng 73,95% kế hoạch năm.

Quỳnh Anh, Văn phòng BCĐLNKT