Ngày 11/10, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ và Trung Quốc “đã đồng ý về nguyên tắc” về một thỏa thuận thương mại sơ bộ, đánh dấu thành tựu hữu hình đầu tiên trong cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng giữa hai nước, đồng thời để lại tất cả những vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Phát biểu tại Phòng Bầu dục trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Tổng thống Mỹ cho biết, các nhà đàm phán đã đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1”. Nhà Trắng đã đồng ý không tiến hành kế hoạch tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/10 từ 25% lên 30%.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đã lạc quan trước thông tin này vì “không có gì ngoài tin tức xấu kể từ tháng 4” nhưng cuối cùng, cho đến nay đã có hy vọng tươi sáng về các cuộc đàm phán thương mại này. Tổng thống Trump cũng cho biết thỏa thuận từng phần bao gồm các khoản mua hàng trị giá từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD cho các sản phẩm nông nghiệp Mỹ và các nhượng bộ thuế quan của Mỹ, mặc dù trước đây ông Trump đã hứa những đột phá trong đàm phán thương mại nhưng không thành hiện thực. Thông báo ngày 11/10 dự kiến sẽ mở đường cho một cuộc thương lượng hoàn chỉnh hơn giữa Washington và Bắc Kinh trong giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba trong tương lai. Các nhà đàm phán đã đồng ý về các điều khoản không xác định điều chỉnh sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính Trung Quốc và cấm sử dụng tiền tệ làm vũ khí thương mại.
Tuy nhiên, không có điều khoản chính thức nào được cam kết trên giấy và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) không công khai bất kỳ chi tiết bổ sung nào. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau để ký thỏa thuận tại Chile nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương vào giữa tháng 11. Tin tức về một thỏa thuận trong hai ngày đàm phán ở Washington, đã cổ vũ Phố Wall. Ngay trước khi tổng thống Mỹ phát biểu, chỉ số của Dow Jones đã tăng khoảng 500 điểm, tương đương gần 2%, trong bối cảnh gợi ý rằng một thỏa thuận từng phần sắp xảy ra. Tổng thống Mỹ đã gọi kết quả này là “một trong những giao dịch lớn nhất”, nhưng sự thiếu cụ thể trong thông báo và nhận xét rằng thỏa thuận một phần có thể mất vài tuần nữa để giải quyết, làm giảm sự lạc quan của các doanh nghiệp. Chỉ số Dow Jones đóng cửa tăng gần 320 điểm, tương đương 1,2%, về đích ở mức 26.816,59.
Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này tạm thời xóa bỏ những lo ngại về leo thang căng thẳng hơn nữa nhưng không giải quyết được các nguồn gốc chính của xung đột giữa hai nước hoặc xoa dịu những điều không chắc chắn về tương lai của quan hệ kinh tế song phương. Hiện tại, Tổng thống Trump vẫn chưa quyết định có nên tiến hành tăng thuế theo kế hoạch khác vào ngày 15/12 hay không, điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng tiêu dùng phổ thông. Đại diện các doanh nghiệp và các chủ trang trại Mỹ hoan nghênh thông báo ngày 11/10 nhưng điều đó là chưa đủ. Thỏa thuận này dường như chưa phải là giải pháp giải quyết thuế quan mà người nông dân hiện đang phải đối mặt. Lời hứa mua thêm hàng nông sản là tin tức đáng hoan nghênh nhưng chi tiết về dòng thời gian, giá cả, hàng hóa và nhiều câu hỏi khác sẽ phải được trả lời.
Sự kiện tại Phòng Bầu dục ngày 11/10 chỉ là bước ngoặt mới nhất kể từ sau cuộc đàm phán bắt đầu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Buenos Aires hồi năm ngoái. Trong cuộc gặp song phương, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã đồng ý trì hoãn kế hoạch tăng thuế ngày 01/01 trong khi hai bên chạy nước rút cho một thỏa thuận trong 90 ngày. Nỗ lực đó cuối cùng đã tạo ra nhiều vòng đàm phán và trì hoãn thuế quan. Các cuộc thảo luận đã sụp đổ vào tháng 5 với việc chính quyền Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc từ bỏ một tài liệu gần như đã hoàn thành. Sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung lại gặp nhau vào mùa hè năm nay tại một hội nghị thượng đỉnh khác tại Osaka, Nhật Bản, hy vọng về sự tiến bộ đã tạm thời được nêu ra, nhưng đã sụp đổ nhanh chóng sau khi tổng thống Mỹ cho biết Trung Quốc thất bại trong việc thực hiện tăng mua hàng hóa nông nghiệp. Vào tháng 8, Trump đột ngột đưa ra các kế hoạch để đánh thuế hầu như mọi sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ. Tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư lo lắng, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đặc trưng cho việc sử dụng thuế quan mạnh mẽ nhất của một tổng thống Mỹ kể từ những năm 1930. Trump cho biết chính sách “nước Mỹ trên hết” được thiết kế để mang lại lợi ích cho những người lao động phải chịu đựng hàng thập kỷ toàn cầu hóa và ngăn Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.
Thông báo ngày 11/10 để lại những vấn đề khó khăn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc cho các cuộc đàm phán trong tương lai, bao gồm cả những yêu cầu của Trump về những thay đổi sâu rộng trong nền kinh tế Trung Quốc. Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer muốn Trung Quốc ngừng buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc để tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc phủ nhận làm điều đó và cũng chống lại yêu cầu của Mỹ để hạn chế trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh với các công ty Mỹ.
Tổng thống Trump cũng vẫn chưa công bố liệu ông sẽ gia hạn giấy phép cho phép công ty viễn thông Trung Quốc Huawei tiếp tục mua các bộ phận của Mỹ khi hết hạn vào ngày 18/11. Trump đã tuyên bố sẽ thu hẹp thâm hụt dai dẳng của Mỹ trong thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc so với xuất khẩu sang Trung Quốc, với mức thâm hụt năm ngoái là 419 tỷ USD, tương đương 21% so với trước khi ông Trump nhậm chức tổng thống.
Dù sao những bước đầu tiên bao gồm sự gia tăng mua hàng nông sản của Trung Quốc, là tin tốt cho nông dân Mỹ khi đã mất hàng tỷ đô la doanh thu trong cuộc chiến thương mại. Trung Quốc gần đây đã bắt đầu đẩy mạnh các đơn đặt hàng nông sản của Mỹ khi một thỏa thuận gần kề. Nhưng xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ 12,2 tỷ đô la năm 2018 xuống chỉ còn 3,1 tỷ đô la vào năm ngoái.
Thu Huyền, Bộ Tài chính