Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC), Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản châu Âu (DG - MARE) sẽ sang làm việc tại Việt Nam từ ngày 4 - 12/11/2019 để đánh giá việc khắc phục khuyến cáo trong thực hiện quy định liên quan đến khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Chịu tác động rõ rệt
Sau 2 năm EU cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, XK hải sản của Việt Nam sang thị trường EU đã giảm 6,5%, còn gần 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, thị trường EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho hay, thẻ vàng IUU đã gây nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến XK hải sản. XK hải sản sang EU giảm do khách hàng e ngại việc bị phạt theo quy định IUU nên giảm hoặc ngừng mua hàng của Việt Nam.
Đại diện VASEP khẳng định, EU là thị trường quan trọng của hải sản Việt Nam. Nếu không giải quyết được các vấn đề về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Khi đó, tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm XK vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản XK của Việt Nam.
Cam kết chống khai thác IUU
Đánh giá về triển vọng gỡ "thẻ vàng" trong năm nay, ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, Việt Nam đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU qua Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản dưới luật được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo đã chấm dứt. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật thủy sản nói chung, pháp luật chống khai thác IUU đã được cải thiện.
Tuy nhiên, còn một số nội dung khuyến nghị của EC mà chúng ta cần có thêm thời gian, cần đầu tư bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Thời điểm EC gỡ "Thẻ vàng" cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các nhóm nội dung khuyến nghị của EC tại trung ương và chính quyền 28 tỉnh ven biển. "Việc EC áp dụng "thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam XK vào EU là thách thức đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam. Đây cũng chính là mục tiêu lâu dài, cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật thủy sản quốc tế" - ông Trần Đình Luân nói.
Nguồn: Ngô Xuân Nam, Văn phòng SPS