Một kết quả xấu từ cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại hội nghị G20 có thể khiến hai nước tung thêm đòn thuế vào hàng hóa của nhau, dự kiến gây thiệt hại 1.200 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu vào năm sau.
Các đối tác thương mại của Mỹ và Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp này, đặc biệt là những đối tác nằm trong chuỗi cung ứng châu Á, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng từ cuộc chiến thuế Mỹ-Trung dù một số ít nước được hưởng lợi nhờ làn sóng di chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.Ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiến hành cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, theo thông báo của Nhà Trắng.
Một kịch bản đình chiến thương mại lặp lại giống kết quả của cuộc gặp Mỹ - Trung bên lề hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina vào cuối năm 2018 sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Các đòn thuế sẽ ngưng lại và Mỹ có thể nới lỏng một số biện pháp trừng phạt nhằm vào hãng thiết bị viễn thông và smartphone Huawei.
Trái lại, một kết quả thất bại hoặc những quyết định sai lầm từ cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở Osaka có thể kích hoạt cho các đòn thuế 25% áp vào tất cả hàng hóa của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu kịch bản này xảy ra kết hợp với sự suy giảm mạnh của thị trường chứng khoán, GDP toàn cầu sẽ mất mát 1.200 tỉ đô la Mỹ, theo tính toán của nhà kinh tế Dan Hanson ở Bộ phận nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics của hãng tin Bloomberg.
Dù con số thiệt hại này chưa đủ lớn để gây suy thoái cho nền kinh tế toàn cầu nhưng sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu thụt lùi mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.
Các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Dell Technologies, HP, Intel, Microsoft đã lên tiếng phản đối kế hoạch áp thuế của Tổng thống Donald Trump nhằm vào hơn 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc chưa bị đánh thuế bao gồm các mặt hàng như laptop, máy tính bảng. Họ cho rằng tăng thuế sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao cho những sản phẩm này cũng như gây tổn thương cho các doanh nghiệp và các nhà sản xuất.
Tại một cuộc điều trần tham vấn về kế hoạch áp đòn thuế mới với các quan chức thương mại Mỹ, ông Rick Muskat, Chủ tịch Công ty giày Deer Stags Concepts ở New York, nói ông có thể sa thải một số nhân sự trong số 35 người đang làm việc cho công ty này tại Mỹ hoặc thậm chí phải đóng cửa công ty vì doanh nghiệp gia đình này không thể nhanh chóng di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Dù ông Trump và ông Tập nhất trí không gia tăng áp thuế thì các biện pháp áp thuế hiện nay cũng đã gây thiệt hại lớn cho Mỹ và Trung Quốc lẫn tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một phân tích của hai nhà kinh tế Maeva Cousin và Tom Orlik của Bloomberg Economics cho thấy do hàng ngàn mặt hàngTrung Quốc bị áp thuế nên trong quí 1-2019, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này không gây ngạc nhiên vì ngay cả những sản phẩm tương đối đơn giản như hàng may mặc cũng cần phải được sản xuất theo các yêu cầu khắt khe nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, các công ty khác ở châu Á bên ngoài Trung Quốc phải đào tạo công nhân, mua thêm máy móc, bảo đảm các nguồn cung, siết chặt kiểm tra chất lượng trước khi tính đến việc xuất khẩu hàng sang Mỹ để thay thế cho nguồn cung từ Trung Quốc. Các thay đổi này không thể tiến hành trong ngày một ngày hai.Trong quí 1, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ của Đài Loan, Việt Nam và Hàn Quốc ở những hạng mục hàng hóa mà Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế, lần lượt tăng 30%, 20% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, tính theo giá trị đồng đô la Mỹ, giá trị nhập khẩu tăng thêm của Mỹ từ 10 nước nằm trong chuỗi cung ứng châu Á chỉ bù đắp chưa đến 50% giá trị nhập khẩu sụt giảm từ Trung Quốc.
Những "phần thưởng" khiêm tốn mà các nước thứ ba có được nhờ doanh thu xuất khẩu tăng ở các mặt hàng mà Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cần phải xem xét trong một bối cảnh rộng lớn hơn, đó là những tác động nặng nề từ tình trạng nguồn cung bị gián đoạn và từ nhu cầu đang suy yếu đi của Trung Quốc và Mỹ.
Một dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện: 8 trong số 10 nền kinh tế có GDP phụ thuộc vào dòng chảy thương mại Mỹ-Trung ở các mức cao nhất như Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines, Malaysia, Thái Lan... đang chứng kiến chi tiêu đầu tư suy giảm kể từ quí 3-2018. Chi tiêu đầu tư giảm không chỉ tác động xấu đến tăng trưởng hiện tại mà cả tăng trưởng trong tương lai.
Nếu ông Trump và ông Tập tập trung các lợi ích thương mại tại G20 hay những ngày sau đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại. Nếu cuộc đàm phán của họ tại G20 mở rộng ra các vấn đề địa chính trị, hai bên sẽ khó đạt được thỏa thuận.
Các động lực để ông Trump duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc đang gia tăng sau khi ông chính thức phát động chiến dịch tái cử tổng thống vào tuần trước. Bài học từ các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trước đây cho thấy công kích Trung Quốc thường là chiến lược hiệu quả để giành phiếu của cử tri. Tình huống này cũng đúng với ông Tập bởi nếu muốn củng cố sự ủng hộ chính trị ở trong nước, ông Tập phải cứng rắn với Mỹ.
Cuộc khảo sát mà Bloomberg thực hiện với 35 nhà kinh tế cho thấy có 50% ý kiến cho rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ nhất trí đình chiến thương mại tại cuộc gặp của họ ở G20. Trong đó 20% ý kiến cho rằng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ giúp rút giảm các đòn thuế, trong khi đó 25% ý kiến nhận định họ sẽ không đạt được tiến triển nào và điều này dẫn đến Mỹ tung đòn thuế mới nhằm vào Trung Quốc và các hành động trả đũa của Bắc Kinh.
Nguồn: AT