Nền kinh tế thế giới đang nhích dần đến bên bờ vực suy thoái do các căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và các dấu hiệu bất ổn khác bao gồm “sức khỏe” sa sút của nền kinh tế Đức.
Theo nhận định của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, giáo sư ở Đại học Harvard, rủi ro suy thoái của Mỹ “cao hơn nhiều so với cách đây hai tháng”.
Ông viết trên Twitter: “Với các diễn biến hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng ta có thể đang ở thời điểm tài chính nguy hiểm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009”.
Ông cảnh báo rằng với sự sụp đổ lãi suất trái phiếu trong trung hạn và dài hạn trên toàn cầu, các thị trường giờ đây cho rằng xác suất suy thoái của nền kinh Mỹ vào năm sau đang ở gần mức 50%, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2011.
“Bạn thường có thể chơi với lửa và không có sự cố không may nào xảy ra nhưng nếu bạn chơi với lửa quá trớn, rốt cục, bạn có thể bị thiêu rụi”, Summers nói khi ám chỉ đến các động thái leo thang căng thẳng thương mại gần đây của Mỹ với Trung Quốc.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất toàn cầu do Ngân hàng JPMorgan Chase giám sát, tiếp tục suy giảm trong tháng 7 sau khi đã rớt về dưới 50 điểm trong tháng trước đó. Tại Mỹ, chỉ số PMI ngành sản xuất cũng đã giảm trong 4 tháng liên tục. Hôm 6-8, các nhà kinh tế ở Ngân hàng Citigroup cắt giảm dự báo lợi nhuận của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ trong năm nay do lo ngại các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Hôm 7-8, Bộ Kinh tế Đức cho biết trong tháng 6, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2009. Mức sụt giảm này cho thấy mức độ nghiêm trọng của đà suy yếu trong ngành sản xuất ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tâm lý giới đầu tư đang bi quan, thể hiện qua diễn biến của đường cong lãi suất giữa trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 3 tháng. Hôm 5-8, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ có lúc giảm đến 32 điểm cơ bản so với mức lãi suất của trái phiếu kỳ hạn ba tháng, mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 2017, khiến đường cong lãi suất (đo chênh lệch lãi suất giữa hai trái phiếu này) chúi sâu về mức âm.
Thông thường khi nền kinh tế Mỹ có triển vọng vững mạnh, các trái phiếu ngắn hạn có mức lãi suất thấp và các trái phiếu dài hạn của Bộ Tài chính Mỹ có mức lãi suất cao hơn. Lúc đó, đường cong lãi suất giữa chúng sẽ hướng lên cao.
Ngược lại, nếu đường con lãi suất đi ngang và hướng xuống mức âm, điều này có thể phản ánh sự giảm sút lòng tin vào hoạt động của nền kinh tế trong dài hạn. Lịch sử cho thấy cứ trước mỗi đợt suy thoái của kinh tế Mỹ trong 60 năm qua, đường cong lãi suất của trái phiếu Bộ Mỹ đảo chiều, tức lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn.
Giữa lúc quan hệ thương mại Mỹ-Trung chuyển biến xấu, nhiều nền kinh tế bắt đầu giảm mạnh lãi suất cơ bản để bảo vệ nền kinh tế của họ trước các bất ổn thương mại toàn cầu. Hôm 7-8, Ngân hàng Dự trữ New Zealand hạ lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm, cao hơn gấp đôi so với dự báo. Ngân hàng trung ương Thái Lan cũng gây bất ngờ với quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hạ lãi suất 0,35 điểm phần trăm, cao hơn mức thông thường trong một lần hạ lãi suất.
Khi các thị trường lao động trên toàn cầu vẫn đang thắt chặt, chuyển động hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương ở Thái Lan, New Zealand và Ấn Độ có thể cung cấp một vùng đệm cho nền kinh tế của họ để tránh các cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, các nhà kinh tế bắt đầu phân tích suy thoái toán cầu sẽ diễn ra như thế nào. Các lo ngại của họ tập trung chủ yếu vào tác động tàn phá của cuộc chiến thuế Mỹ-Trung.
Theo họ, một viễn cảnh có thể khiến kinh tế toàn cầu suy thoái là Tổng thống Donald Trump thực hiện kế hoạch áp thuế 10% lên thêm 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa. Dù các thiệt hại trực tiếp từ các đòn áp thuế qua về này có thể chỉ ở mức nhỏ nhưng tình trạng bất ổn do diễn biến leo thang chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể gây sức ì trong đầu tư, tuyển dụng lao động và cuối cùng là tiêu thụ.
Các nhà kinh tế ở Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo nếu Mỹ áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa nhập khẫu từ Trung Quốc trong vòng 4-6 tháng và Trung Quốc áp thuế trả đũa, nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái trong vòng ba quí sau đó.
Nếu Mỹ-Trung không đình chiến thương mại sớm, các thị trường sẽ nối dài đà sụt giảm gần đây và các công ty sẽ cắt giảm hoặc trì hoãn đầu tư, khiến tổn thương từ ngành sản xuất lan sang ngành dịch vụ. Lúc đó, các thị trường lao động sẽ suy yếu và người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu.
Trong khi các ngân hàng trung ương có khả năng giảm thêm lãi suất và có thể quay trở về chính sách nới lỏng định lượng, điều này có thể không đủ để vực dậy niềm tin trên toàn cầu vào thời điểm này và các chính phủ có lẽ cũng không hành động đủ nhanh để nới lỏng chính sách tài chính.
“Chúng ta đang sử dụng lãi suất để chấn chỉnh các vấn đề mà chúng không thể giải quyết”, Patrick Bennett, giám đốc bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực châu Á ở chi nhánh Ngân hàng Canadian Imperial Bank of Commerce (CBIC) tại Hồng Kông, nói.
Trong thư gửi cho khách hàng trong tuần này, các nhà kinh tế của Ngân hàng đầu tư Bank of America cảnh báo: “Khi chiến tranh thương mại chưa thấy điểm dừng, chúng tôi dự báo sẽ xuất hiện các rủi ro suy thoái lớn đối với tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, bao gồm một cuộc chiến tranh tiền tệ rõ ràng hơn, tình trạng không chắc chắn sẽ tăng cao đáng kể và các điều kiện tài chính sẽ căng thẳng hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu”.
Mạnh Tiến