Khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng như EU mất nhiều thời gian hơn dự kiến, Nhật là mục tiêu mà Mỹ hướng tới nhằm hiện thực hóa cam kết cắt giảm mất cân bằng thương mại.
Có thể nói, Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo vướng vào nhiều “lùm xùm” nhất trong lịch sử xứ sở cờ hoa. Thế nhưng, không thể phủ nhận là dù vướng vào “lùm xùm” nào, thì mục đích cuối cùng của ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng, vẫn là đưa ra những yêu sách cốt lõi trong chính sách thương mại, và ông luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng ông sẽ mang lại những thỏa thuận, những lợi ích tốt hơn cho Mỹ. Ông luôn nhất quán theo đuổi chính sách “Make American great again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ông chủ Nhà Trắng luôn có một niềm kiêu hãnh kiên định và ông luôn sử dụng sức mạnh, sử dụng vị thế “chiếu trên” của Mỹ, trong một cuộc đàm phán với các đối tác thương mại, để đạt được các mục đích đàm phán mà ông đã đặt ra từ trước đó.
Trong lịch sử đàm phán của ông Trump, có lẽ mối quan hệ thương mại của Mỹ với Nhật Bản là một mối quan hệ mang nhiều màu sắc thú vị. Không có nhà lãnh đạo nào luôn cố gắng xoa dịu Donald Trump và cho phép ông Trump giành chiến thắng trong thương mại nhiều hơn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Khi Mỹ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm vào tháng 3 năm 2018, Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia - và là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ - không áp mức thuế trả đũa.
Nhật Bản cũng là quốc gia ủng hộ Mỹ nhiều nhất trong vụ bê bối Huawei khi Tokyo áp đặt lệnh cấm người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đấu thầu các hợp đồng công nghệ tại quốc gia này. Thậm chí, Nhật Bản còn tẩy chay Huawei trước cả khi Đức, Anh, Canada và các nước khác áp dụng lệnh cấm tương tự. Bên cạnh đó Nhật Bản còn đồng ý với yêu cầu của Trump để mở các cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ mặc dù ưu tiên mạnh mẽ của chính quyền ông Abe là các thỏa thuận thương mại khu vực hoặc thỏa thuận thương mại đa phương trên toàn cầu.
Thế nhưng, đáp lại những thiện chí này từ phía Nhật Bản, có vẻ như là các công ty và người nông dân Mỹ đã thấm nhuần tư tưởng “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump và họ không hào hứng đón nhận hay có các động thái tích cực đáp lại những thiện chí của Nhật. Quyết định của Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và sau đó tuyên bố rằng Mỹ muốn các thỏa thuận song phương hơn là đa phương đã khiến nông dân Mỹ nhanh chóng đánh mất thị phần của mình tại Nhật Bản.
Không mất nhiều thời gian để người Mỹ nhận ra nước cờ sai lầm của mình trong bàn cờ thương mại Mỹ - Nhật. Nhật Bản cũng thể hiện lập trường rõ ràng không đồng ý về bất kỳ cuộc thảo luận nào liên kết giữa tiền tệ và chính sách thương mại. Người nông dân Mỹ cũng đang lên tiếng gây sức ép để muốn có giải pháp nhanh chóng, khi có gần 90 tổ chức nông nghiệp đã gửi thư tới Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ đang mất dần trên thị trường Nhật Bản sau khi Nhật Bản cắt giảm thuế quan lần thứ hai đối với các mặt hàng nhập khẩu từ EU và các quốc gia CPTPP.
Sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi CPTPP, người nông dân Mỹ đã ngày càng gặp bất lợi khi CPTPP được thực thi cùng với hiệp định đối tác kinh tế giữa Nhật Bản với Liên minh Châu Âu có hiệu lực. Việc tiến hành cắt giảm thuế quan trong CPTPP đã khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp bất lợi cạnh tranh đáng kể, cụ thể xuất khẩu ngũ cốc, thịt và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ sang Nhật Bản đang bị ảnh hưởng. Do đó, hiện nay, Nhà Trắng đang gấp rút khắc phục các tổn thất, thiệt hại từ việc rút ra khỏi hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh Abe-Trump tại Washington vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy Trump đã đẩy chính sách thương mại của Mỹ đi vào ngõ cụt như thế nào. Tokyo hiểu rằng tổng thống Mỹ đang tìm kiếm một thành tựu rõ ràng trong các cuộc đàm phán thương mại trước chu kỳ bầu cử tổng thống bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới.
Khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc mất nhiều thời gian hơn dự kiến và các cuộc đàm phán với EU vẫn chưa bắt đầu, Nhật Bản là mục tiêu tích cực mà Mỹ hướng tới nhằm hiện thực hóa cam kết cắt giảm mất cân bằng thương mại. Trong khi đó, ở Nhật Bản, cuộc bầu cử thượng viện của cơ quan lập pháp quốc gia (Diet) sẽ được tổ chức vào khoảng tháng 7 và Thủ tướng Nhật Bản muốn tránh tuyên bố cắt giảm thuế quan cụ thể đối với hàng nhập khẩu nông nghiệp trước các cuộc thăm dò.
Shige Watanabe, Bộ trưởng kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản tại Washington, cho biết Nhật Bản đã sẵn sàng dành cho Mỹ mức thuế suất tương tự mà Tokyo đã đàm phán với EU và 10 quốc gia khác của CPTPP, bao gồm cả Canada, Mexico và Việt Nam. Điều đó sẽ mang lại một chút nhẹ nhõm cho nông dân Mỹ, mặc dù chưa rõ liệu thỏa thuận có thể tăng tốc nhanh đến thế nào. Hai bên chưa thống nhất về phạm vi đàm phán thương mại. Chính quyền Trump sẽ yêu cầu cắt giảm thuế quan nhiều hơn đối với hàng nhập khẩu nông nghiệp. Giới quan sát cho rằng, nhiều khả lĩnh vực ô tô sẽ là được ưu tiên hàng đầu. Mặc dù các công ty Nhật Bản hiện đang sản xuất 3,7 triệu xe mỗi năm ở Mỹ - với một số mẫu xe thậm chí có hàm lượng nội địa cao hơn các thương hiệu Mỹ - thương mại ô tô Nhật Bản chiếm phần lớn trong thặng dư thương mại trị giá 68 tỷ USD với Mỹ, trong khi thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với với Mỹ năm 2018 là 419 tỷ USD.
Nhật Bản đã chỉ ra rằng họ sẽ không nhận hạn ngạch xuất khẩu tự nguyện hoặc hạn chế đối với ô tô, như đã từng xảy ra vào những năm 1980 khi chính quyền Mỹ yêu cầu kiềm chế xuất khẩu các lô hàng tivi, dệt may, thép, ô tô và các sản phẩm khác. Các chuyên gia kinh tế dự báo đây sẽ là một cuộc thảo luận khó khăn.
Hơn nữa, Tổng thống Trump đang xem xét đánh giá sâu rộng thuế đối với ô tô nhập khẩu, trên cơ sở an ninh quốc gia mà chính quyền đã áp dụng khi đưa ra mức thuế 25% đối với thép và nhôm. Các quan chức chính phủ cho biết ngay cả khi ông Trump quyết định sẽ tiếp tục áp dụng thuế quan xe hơi vào tháng 5 tới, Mỹ cũng sẽ không áp đặt thuế với Nhật Bản khi hai bên đang đàm phán một hiệp định thương mại. Nhưng mối đe dọa đó dù sao cũng sẽ treo lơ lửng trong các cuộc đàm phán, vì Tổng thống Trump đã rất muốn sử dụng thuế quan làm đòn bẩy để giành được những nhượng bộ.
Nguồn: Ngọc Hưởng, Tạp chí hội nhập