Ngày 7/3, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN - Nhật Bản (AJC) tổ chức Hội thảo “Mô hình hợp tác phi vốn chủ sở hữu (NEM) tại Việt Nam - Thúc đẩy mô hình hợp tác thương mại mới giữa Nhật Bản - ASEAN”.
Chia sẻ với báo giới bên lề hội thảo, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết: NEM đang dần trở nên quen thuộc tại Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể thấy rõ nhất trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thay vì đầu tư xây dựng và quản lý, các tổ chức tài chính nước ngoài tìm kiếm khách sạn có sẵn tại Việt Nam để tìm kiếm khách hàng và kinh doanh. Tương tự trong lĩnh vực logistics, dựa trên hạ tầng có sẵn như cảng biển, tàu biển, container… của Việt Nam, các công ty đa quốc gia (TNC) tìm kiếm khách hàng, kết nối và kinh doanh các dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, do vẫn là lĩnh vực mới, các DN Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi khai thác NEM trong hợp tác sản xuất kinh doanh, nhất là trong việc đăng ký ngành nghề kinh doanh, kê khai và quyết toán thuế. Nguyên do, khung khổ pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực này hiện chưa hoàn thiện. Bản thân DN cũng còn nhiều bỡ ngỡ và chưa mạnh dạn tiếp cận phương thức này.
Theo ông Shunji Karikomi – Giảng viên trường Đại học Waseda, Nhật Bản, một trong những đặc điểm nổi bật của NEM là các TNC không trực tiếp sở hữu các hoạt động kinh doanh của DN nội địa nhưng có quyền kiểm soát gián tiếp các hoạt động. Việc này mở ra cơ hội cho các DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC); có nhiều cơ hội tăng trưởng kinh doanh và bán hàng mới; người lao động có việc làm mặc dù tay nghề không cao… Tuy vậy, do không có tính ràng buộc về vốn, hợp đồng NEM không được bảo đảm tính dài hạn và TNC có thể dễ dàng rút vốn. Cùng đó, TNC cũng có thể sử dụng đối tác để thử nghiệm trước khi đầu tư đúng mức; việc hỗ trợ quản lý và kỹ thuật với DN sản xuất sẽ không nhiều. Do vậy, các DN NEM nội địa của Việt Nam không chỉ nhận được các cơ hội từ phương thức kinh doanh này mà song hành với đó là những thách thức không nhỏ về: Tính liên tục trong kinh doanh, xây dựng năng lực nội tại, sáng kiến và tính gắn kết nội địa. Giải pháp được đặt ra là DN Việt Nam có thể xây dựng chiến lược thông qua các bí quyết và kỹ thuật công nghệ bằng cách liên kết và tận dụng thương hiệu của TNC để củng cố năng lực, đối phó với những thách thức. Đồng thời tự tạo cơ hội để xây dựng năng lực hoặc tìm thêm nguồn lực bên ngoài như hỗ trợ của Chính phủ.
Trước những đặc trưng của NEM và khó khăn của DN đã được chỉ ra, lãnh đạo Cục XTTM cũng cho rằng: Thiếu khung khổ pháp lý là trở ngại lớn nhất của các DN Việt Nam khi tiếp cận NEM hiện nay. Do vậy, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác cần nghiên cứu, hợp tác với các nước đã có phương thức NEM phổ biến để học hỏi kinh nghiệm và hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Cùng đó, cũng cần phải có chương trình hợp tác với chuyên gia nước ngoài đào tạo cho đội ngũ DN trong nước thực hành được phương thức kinh doanh mới có hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền quảng bá để cộng đồng DN hiểu được lợi ích của NEM.
"Nhật Bản là quốc gia khai sinh ra NEM, do vậy việc Bộ Công Thương hợp tác với AJC sẽ giúp DN tận dụng được kinh nghiệm của các chuyên gia; ứng dụng mô hình đã được thực hành nhuần nhuyễn tại Nhật Bản vào Việt Nam sẽ rút ngắn thời gian tiếp cận và thành thạo NEM của DN Việt Nam" - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công thương