Tất cả các dấu hiệu đang cho thấy sự leo thang của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi ngày 5/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tìm cách tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ sáng ngày 10/5 với cáo buộc "Trung Quốc rút lại lời hứa". Điều gì đằng sau sự thay đổi đột ngột của Tổng thống Trump trong giai đoạn đàm phán thương mại Trung Quốc?
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần thông báo về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc đang tiến triển tốt đẹp và mở ra kỳ vọng về một "thỏa thuận lịch sử" đang tới rất gần. Nhưng ngày 5/5, chỉ với một vài dòng thông báo đe dọa sẽ áp thuế đối với mọi sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, đã khiến thị trường thế giới chao đảo. Điều gì đằng sau sự thay đổi đột ngột đó? Một số nhà phân tích cho biết, Tổng thống Trump đang tìm cách gây áp lực để Bắc Kinh ký kết một thỏa thuận thương mại mức độ cao nhưng những ý kiến khác cho rằng, các mối đe dọa của ông Trump là một dấu hiệu cho thấy, đàm phán với Trung Quốc đang có nguy cơ đổ vỡ. Stapleton Roy - cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Giám đốc sáng lập của Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ - cho biết, đó là một chiến thuật áp lực được đưa ra để cố gắng đạt được kết quả. Vì cả hai bên đều cần một thỏa thuận.
Một tuần sau các cuộc đàm phán khó khăn ở Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ cử phái đoàn thương mại tới Washington để gặp các đối tác của Mỹ vào ngày 9 - 10/5 do Phó Thủ tướng Lưu Hạc làm trưởng đoàn. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer cho biết, Trung Quốc đã từ chối một số cam kết tại phiên đàm phán tuần trước, đó là lý do Tổng thống Trump đưa ra lời đe dọa thuế quan trong dòng tweet ngày 5/5. Thông điệp ngắn gọn của ông Trump nhấn mạnh tổn thất của Mỹ trong nhiều năm qua, từ 600 đến 800 tỷ USD giá trị thương mại; trong đó, thâm hụt với Trung Quốc là 500 tỷ USD và Mỹ "sẽ không để điều đó xảy ra nữa".
Nhìn chung, giới phân tích khó có thể biết những ẩn ý đằng sau các đe dọa thuế quan của Trump thật sự là gì. Nhưng chính quyền Trump đã tuyên bố, họ sẽ có được thỏa thuận chưa có tiền lệ. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington đưa ra lưu ý rằng, Tổng thống Trump đã có những đe dọa tương tự đối với Canada và Mexico ngay trước khi ký Hiệp định Thương mại sửa đổi NAFTA mà hiệp định này đang chờ sự phê duyệt của Thượng viện Mỹ, do đó, có thể nhận định việc đe dọa thuế quan này là nhằm cố gắng có được một thỏa thuận.
Trong các phân tích bi quan, tình hình hiện nay có thể sẽ dẫn tới thuế quan mới đối với Trung Quốc, kích hoạt thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ từ Trung Quốc, kết cục là, người tiêu dùng và các nhà sản xuất sẽ gánh chịu hậu quả. Các vấn đề rõ ràng trong những cuộc đàm phán thương mại nổi lên khi Tổng thống Trump đe dọa áp thuế và phản đối tốc độ đàm phán thương mại chậm chạp. Nếu Trump thực hiện đúng những gì đã đe dọa, mọi sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thuế. Đây quả thực là một cú sốc khi trong nhiều tuần, người ta đã kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại mới giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới, thậm chí cả những thảo luận về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận. Mức thuế mà Trump ám chỉ sẽ đánh vào các sản phẩm Trung Quốc phổ biến với người tiêu dùng Mỹ, làm tăng giá hàng hóa từ đồ chơi đến quần áo. Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa, kết quả sẽ là hầu như mọi sản phẩm được giao dịch giữa hai bên bị ảnh hưởng.
Theo chiều hướng bi quan như thế, trên thị trường tài chính, các chuyên gia nhận định, kết quả tồi tệ nhất ở đây là một cuộc chiến làm cho chỉ số S & P 500 điều chỉnh giảm 10% so với chỉ số quan trọng đó. Các công ty Mỹ có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Boeing, Apple và Caterpillar khi cổ phiếu giao dịch đã giảm khoảng 5% trong tuần này. Sau đó sẽ là tác động lớn ở các ngành kim loại, khai thác mỏ và ôtô. Các ngân hàng đưa ra cảnh báo sự leo thang mới nhất của cuộc chiến thương mại là hoàn toàn bất ngờ, "bất chấp sức mạnh của nền kinh tế và thị trường". Chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm ngay sau khi Tổng thống Trump thông báo sẽ tăng thuế từ mức 10% hiện tại lên 25% vào ngày 10/5. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm khoảng 450 điểm, trong khi S & P 500 giảm 1,9%.
Cuộc chiến thương mại lại leo thang cũng sẽ có tác động lớn đến thị trường châu Âu và châu Á. Chỉ số Stoxx 600 - theo dõi các công ty vốn hóa lớn, trung bình và nhỏ trong số 17 quốc gia châu Âu - có thể thấy một mức giảm xấp xỉ 7% nếu căng thẳng thương mại xấu đi. Chỉ số này đã giảm 3,3% so với mức cao nhất trong 52 tuần qua. Cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ lấy đi 45 điểm cơ bản từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi GDP của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng từ 1,2% đến 1,5%. Mặc dù các chuyên gia hy vọng việc cuộc chiến leo thang trở lại sẽ là tạm thời, vì sự yếu kém của thị trường sẽ buộc hai bên phải tìm ra giải pháp nhân nhượng, bất kỳ sự leo thang nào đều làm tăng thêm rủi ro của kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, nếu Trung Quốc đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ 7% hiện tại lên 15%, có thể làm giảm GDP của Mỹ xuống 0,1 điểm phần trăm.
Để bình ổn thị trường, liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ chọn giải pháp hạ lãi suất như đã từng thực hiện? Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết hồi tháng 3 rằng, sự suy giảm của các nền kinh tế Trung Quốc và châu Âu đang tác động không tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Điều đó có nghĩa, FED có thể hành động để giảm chi phí vay nếu thấy nền kinh tế nước này cần có sự thúc đẩy.
Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông