rừ Mỹ, các nền kinh tế lớn còn lại đều tiếp tục giảm tăng trưởng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm sút trong năm 2019.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự mất đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn ngay từ năm 2018, kéo dài sang năm 2019.
Nguy cơ suy giảm tăng trưởng
Sở dĩ kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm là do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự bế tắc của tiến trình Brexit, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ… Tất cả những điều này khiến các nền kinh tế chủ chốt mất đà tăng trưởng, trừ Mỹ.
Cụ thể, trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục trong 4 quý của năm 2018 (2,5% quý I; 2,6% quý II, 2,9% quý III và 3% trong quý IV), thì EU lại suy giảm tăng trưởng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của EU liên tục giảm từ mức đỉnh 2,8% trong quý III/2017 xuống còn 1,6% trong quý III/2018.
Một lý do cơ bản là do tăng trưởng của Đức- nền kinh tế lớn nhất khu vực suy yếu đáng kể khi tăng trưởng quý III/2018 chỉ đạt 1,1% so với mức 2,1% và 2% trong hai quý trước đó. Sự sụt giảm tăng trưởng của Đức được cho là bắt nguồn từ căng thẳng thương mại với Mỹ và bất ổn từ Brexit.
Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai của EU cũng không khá hơn khi GDP giảm liên tục trong năm 2018, chỉ số PMI công nghiệp chế tạo cũng giảm liên tục trong năm 2018 và chỉ còn 49 điểm trong tháng 12/2018. Trong khi nền kinh tế đang chịu nhiều bất ổn do các cuộc biểu tình lớn trong cả nước.
Cùng với EU, Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vì liên quan nhiều về chuỗi sản xuất với Trung Quốc, rồi bán sản phẩm sang Mỹ. Các doanh nghiệp Nhật hiện khá bi quan cho năm 2019 khi lo ngại rằng lợi nhuận sẽ bị giảm hơn nữa do sản xuất chuỗi của Nhật bị ảnh hưởng lớn hơn trong năm 2019.
Tương tự tại Trung Quốc, tình hình kinh tế cũng rất đáng lo ngại vì tốc độ tăng trưởng GDP giảm liên tục từ mức 6,8% quý I/2018 xuống còn 6,4% trong quý IV/2018, thấp nhất kể từ sau khủng hoảng 2008.
Dù không có chiến tranh thương mại với Mỹ thì tăng trưởng ở Trung Quốc cũng sẽ gặp vấn đề do nợ công đã lên tới 260% GDP, tình trạng dân số già nhanh, năng suất lao động giảm, bất động sản (BĐS) dư thừa và bong bóng.
Tất cả những điều nói trên đã và đang đặt ra những thách thức to lớn cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong năm 2019. Một mặt, ở trong nước, Trung Quốc cần phải có những kích thích kinh tế nhất định, nhưng vẫn phải lo đối phó với tình trạng nợ nần, tình trạng bong bóng BĐS… như đề cập ở trên là điều không hề dễ. Mặt khác, về đối ngoại, cần phải nhượng bộ thế nào với Mỹ trong khi vẫn phải cố đạt được sự ổn định thương mại và tiến bộ công nghệ để có thể hiện đại hóa cơ cấu kinh tế cũng hết sức khó khăn. Những thách thức này, nếu không được xử lý đúng, rất có thể gây ra những bất ổn lớn cho Trung Quốc và cho cả kinh tế thế giới.
Động lực từ các nền kinh tế mới nổi
IMF cho rằng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển châu Á sẽ giảm sút tăng trưởng nhẹ từ mức 6,5% năm 2018 xuống mức 6,3% năm 2019 và tăng lên 6,4% năm 2020. Trong khi đó, các nước nhóm này ở Mỹ Latin lại có tăng trưởng tốt trong năm 2019 với mức tăng trưởng 2%, so với mức chỉ 1,1% năm 2018.
Trái lại, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Âu lại suy giảm mạnh với mức tăng trưởng chỉ vào khoảng 0,7% trong năm 2019, so với mức 3,8% trong năm 2018. Còn các nền kinh tế nhóm này ở Trung Đông vẫn duy trì tăng trưởng khá yếu là 2,4% như trong năm 2018.
Với quy mô lớn hơn, tầm quan trọng lớn hơn, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á và Mỹ Latinh sẽ trở lại vị trí dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế thế giới kể từ 2019.
Như vậy, Mỹ vẫn sẽ tăng trưởng vững chắc trong năm 2019 và các nền kinh tế mới nổi sẽ đóng vai trò quan trọng trở lại đối với kinh tế thế giới. Đó là những động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.
Tuy nhiên, nhiều thách thức trước đây (chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, bất ổn Brexit, căng thẳng địa chính trị…) vẫn tồn tại và lớn dần khiến tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2019 chịu tác động tiêu cực.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 chỉ ở mức 3,5% so với mức 3,7% của năm 2018.
Nguồn: Thành Long, VPBCDLN