Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang đứng trước tương lai bất định, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc Mỹ sẽ sớm đưa ra quyết định rút khỏi thỏa thuận thương mại hơn 20 năm tuổi này.
Cái kết lơ lửng
Ottawa ngày càng tin chắc rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ sớm rút Mỹ khỏi NAFTA và Chính phủ Canada đang chuẩn bị mọi tình huống có thể xảy ra, hãng tin Reuters dẫn lời hai nguồn tin giấu tên của Chính phủ Canada. Tuy nhiên, một trong hai nguồn tin cũng cho biết, chưa rõ ông Trump có đưa ra quyết định này hay không. Thông tin trên xuất hiện ngay trước thời điểm các quan chức của ba nước Mỹ, Canada và Mexico chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ sáu và cũng là vòng đàm phán áp chót về NAFTA, dự kiến diễn ra từ ngày 23 - 28/1 tới tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec.
Trước đó, các vòng tái đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ - Canada - Mexico đã đạt được những tiến triển khả quan. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump cũng nhiều lần cảnh báo sẽ hủy bỏ NAFTA nếu Mexico và Canada không đáp ứng các yêu cầu gay gắt của Mỹ nhằm siết chặt quy định về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm ô tô và giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, chính quyền Trump đã nhiều lần chỉ trích NAFTA gây thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Mexico và Canada suốt 2 thập kỷ qua. Ông Trump cho rằng, NAFTA đã cướp đi hàng triệu việc làm của người Mỹ và trao cho hai nước láng giềng nhiều lợi thế hơn.
Theo điều khoản 2205 của NAFTA, bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có quyền rút khỏi thỏa thuận này 6 tháng sau khi đưa ra lá thư công bố quyết định thoái lui. Giới quan sát đang nín thở chờ đợi Tổng thống Trump có gửi lá thư thông báo tới hai thành viên còn lại của NAFTA hay không. Trong khi đó, Gary Hufbauer, nhà phân tích cao cấp đồng thời là chuyên gia thương mại tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho rằng, đây có thể là chiến thuật mà Tổng thống Trump áp dụng nhằm tạo lợi thế tốt hơn cho Mỹ trong vòng tái đàm phán NAFTA sắp tới.
Tiềm ẩn bất trắc
NAFTA là hiệp định thương mại tự do giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994, nhằm dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư giữa ba nước. Hầu hết các phân tích kinh tế cho thấy, NAFTA mang lại lợi ích cho các nền kinh tế Bắc Mỹ và đại bộ phận người dân những nước này. Nếu NAFTA bị bãi bỏ, các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa thương mại giữa ba nước sẽ được thiết lập trở lại. Theo đó, Mỹ sẽ nâng thuế đối với các mặt hàng của Mexico và Canada. Các chuyên gia cho biết, nhiều khả năng Canada sẽ khôi phục các điều khoản của một hiệp định thương mại với Mỹ năm 1987, trước khi ký kết NAFTA.
Theo một nghiên cứu của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, Mexico sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất nếu kịch bản này xảy ra. Khi đó, khoảng 951.000 người Mexico sẽ mất việc, trong khi con số này ở Mỹ và Canada là 250.000 và 125.000 người. Những lĩnh vực bị tác động mạnh tại Mexico gồm dệt may, máy móc hạng nặng và ô tô.
Trong khi Mexico cảnh báo sẽ lập tức rút khỏi các cuộc tái đàm phán NAFTA một khi Mỹ khơi mào quá trình thoái lui, thì Canada khẳng định, sẽ tìm được giải pháp tích cực cho các cuộc tái đàm phán NAFTA, đồng thời theo đuổi các kế hoạch mở rộng hợp tác với quốc gia láng giềng phía Nam, bao gồm cả những cuộc gặp với các thống đốc bang và giới lập pháp Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư thông báo về việc rút khỏi NAFTA, quyết định này có thể vấp phải sự phản đối tại Quốc hội Mỹ. Nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối Mỹ rút khỏi NAFTA, cho rằng đây sẽ là “sai lầm chết người”, có thể kéo nền kinh tế Mỹ “thụt lùi 5 bước”. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue, Canada và Mexico là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Việc rút khỏi NAFTA sẽ gây thiệt hại to lớn cho người lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế của các nước thành viên. Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp Mỹ sang Mexico và Canada đã tăng gấp 5 lần từ 9 tỷ USD năm 1993 lên khoảng 41 tỷ USD năm 2016.
Mạnh Tiến, Bộ Thông tin và Truyền thông