Tin tức

Chính phủ Canada chuẩn bị sẵn sàng phương án cho khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Phóng viên TTXVN tại Canada ngày 10/1 dẫn một số quan chức chính phủ giấu tên cho biết mặc dù tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán, Ottawa một mặt cũng chủ động chuẩn bị cho kịch bản Mỹ rút lui, được cho là có thể vào cuối tháng 1 này.

Tuy nhiên, Ottawa tin tưởng có thể tìm được một giải pháp tích cực cho các cuộc tái đàm phán NAFTA, đồng thời sẽ theo đuổi các kế hoạch mở rộng hợp tác với quốc gia láng giềng phía Nam, bao gồm cả những cuộc gặp với các thống đốc bang và giới lập pháp Mỹ.

Dư luận Canada ngày càng tin rằng Tổng thống Trump sẽ bỏ qua các cuộc tái đàm phán và đang bắt đầu tiến trình rút khỏi thoả thuận hơn 23 năm tuổi này. Trong tuyên bố mới nhất, Nhà Trắng cho biết “không có bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm của Tổng thống Trump về NAFTA”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng gần đây cũng nhiều lần cảnh báo sẽ rời bỏ thỏa thuận này nếu không đạt được nhượng bộ từ hai đối tác thương mại trong khu vực.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, hãng tin Reuters của Anh dẫn một số nguồn thạo tin ở Mexico cho biết nước này sẽ rời khỏi bàn đàm phán NAFTA nếu Mỹ quyết định khởi động tiến trình kéo dài 6 tháng nhằm rút lui khỏi hiệp định thương mại này.

Ông Raul Urteaga, Tổng Điều phối viên những vấn đề quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mexico, nêu rõ nếu Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi NAFTA, thì đó cũng sẽ là lúc chấm dứt các cuộc đàm phán.

Theo quy định, quyết định rút lui sẽ chỉ có hiệu lực sau 6 tháng kể từ khi Mỹ gửi thông báo bằng văn bản cho hai nước thành viên còn lại là Canada và Mexico.

Nguồn tin Chính phủ Canada cho biết trong trường hợp việc này xảy ra, các thành viên nội các sẽ tận dụng tối đa quãng thời gian 6 tháng này để thảo luận với Nhà Trắng và những nghị sĩ Mỹ ủng hộ duy trì thoả thuận NAFTA.

Canada, Mỹ và Mexico sẽ bước vào vòng tái đàm phán NAFTA lần thứ 6 từ ngày 23 – 28/1 tại thành phố Montreal thuộc tỉnh Quebec. Đây được coi là một vòng đàm phán quyết định trước khi các bên bước vào vòng đàm phán cuối cùng tại Mỹ theo kế hoạch đề ra ban đầu.

Những thông tin tiêu cực về triển vọng NAFTA đã gây áp lực lên đồng nội tệ Canada, khiến tỷ giá hối đoái xác lập biên độ dao động theo ngày mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây./.