Hội nhập trong nước

Mở rộng cánh cửa xuất khẩu các mặt hàng chủ lực

Việc EVFTA được thông qua mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng với khoảng 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, trong đó đặc biệt là thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của khu vực.

mien trung tay nguyen evfta thong qua cu hich cua thi truong cho cac nganh kinh te chu luc
Dệt may là một trong những ngành có lợi thế xâm nhập thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng - cho biết, trong bối cảnh dịch Covid 19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thông qua EVFTA sẽ có những tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới với EU, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

“EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan mà hai bên đã thống nhất sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... và đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các nhóm sản phẩm này nên EVFTA sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tiếp cận thị trường. Ngoài ra, giai đoạn hiện nay, nhiều quốc gia và nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư nhằm giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định, EVFTA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Theo ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - có thể coi EVFTA là công cụ quan trọng để nâng cao thương hiệu sản phẩm của Việt Nam nói chung và sản phẩm của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan sang các nước EU sẽ đươc xóa bỏ (theo lộ trình) sẽ tác động lớn, mở ra cơ hội rất lớn đến các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Cụ thể: ngành dệt may nếu các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU; tận dụng đúng và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ (dự ước tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong những năm tới tăng 30-40%), ông Định chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng - cho biết, EVFTA được thông qua, tức là đã mở toang cánh cổng để hàng hóa tự do giao thương. Nó đặt tiền đề cho giao thương thương mại. Nó khẳng định hàng hóa Việt Nam đã lớn mạnh, đã có thể đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của thế giới. Đồng thời ở đó cho chúng ta cơ hội để tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới, tập quán sản xuất của thế giới.

Bình Định là địa phương có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU lớn, với hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này. Theo Sở Công Thương Bình định, 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường EU ước đạt 104,6 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019, các mặt hàng chủ yếu là thủy sản, sản phẩm nhựa giả mây, sản phẩm gỗ, hàng dệt may… trong đó, Đức là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho biết, EU là thị trường rộng và hấp dẫn gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người, GDP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm. Bên cạnh đó, EU hiện là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bình Định, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 216 triệu USD, chiếm 24,2% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của tỉnh. Do vậy, EVFTA được thực thi sẽ giúp các doanh nghiệp của Bình Định có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. “Hiệp định EVFTA có nội dung chủ yếu là xóa bỏ hàng rào thuế quan; với gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sẽ có thuế suất bằng 0%. Đây là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình”, ông Tổng cho biết thêm.

mien trung tay nguyen evfta thong qua cu hich cua thi truong cho cac nganh kinh te chu luc
Để được thị trường EU chấp nhận đòi hỏi các doanh cần phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, quy định sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và các rào cản kỹ thuật hàng hóa

Nhiều thách thức đối với doanh nghiệp

Bên cạnh những cơ hội thì EVFTA cũng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật là quan trọng... Ngoài ra, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ quy định trong Hiệp định cũng rất chặt chẽ, bắt buộc hàng hóa phải đáp ứng để có thể được hưởng những ưu đãi về thuế quan, những yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường... của EU rất khắt khe bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng.

Ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương Bình Định - cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức khi thực hiện Hiệp định, đó là khó khăn trong thực thi các quy tắc xuất xứ của EVFTA; việc tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường; rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Điển hình là mặt hàng thủy sản của tỉnh, từ năm 2017 đến nay, thủy sản Việt Nam trong đó có Bình Định bị gắn thẻ vàng do hoạt động đánh bắt khai thác thủy sản của Việt Nam chưa tuân thủ các quy định của IUU và sự khắc phục của Việt Nam vẫn bị đánh giá là chưa đủ thuyết phục Ủy ban châu Âu. Vì vậy, hàng thủy sản Bình Định rất khó khăn trong việc xuất khẩu sang thị trường EU.

Còn theo ông Nguyễn Bá Sơn – Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng - Hiệp định được thông qua như cánh cổng đã mở tức là hàng hóa đã có thể sang EU. Điều còn lại là chúng ta phải làm thế nào để hàng hóa đủ điều kiện theo tiêu chuẩn EU để vào được thị trường đó. Đó là câu chuyện của các doanh nghiệp, của các nhà quản lý. Nếu chúng ta không làm được việc đó thì chúng ta trở thành thị trường để nhập hàng hóa của EU. Để tận dụng được các ưu đãi, doanh nghiệp phải chủ động thay đổi về sản xuất, về quản lý, phải thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Sơn nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc VCCI tại Đà Nẵng - EVFTA mang lại những lợi ích lớn, trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, các lợi ích này chỉ là tiềm năng, không tự động thành hiện thực nếu doanh nghiệp không chủ động hành động, đặc biệt trong các khía cạnh sau: Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thấu đáo các quy định/cam kết của EVFTA có liên quan tới hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh mà mình quan tâm như các cam kết về thuế quan, quy tắc xuất xứ, các cam kết về đầu tư, mở cửa thị trường; doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp, hành động cụ thể để chuẩn bị cho việc tận dụng các cơ hội từ EVFTA như tìm hiểu, thiết lập và mở rộng mạng lưới bạn hàng, đối tác ở thị trường EU; thiết lập mạng lưới nguồn cung nguyên liệu, cũng như điều chỉnh quy trình sản xuất để có thể đáp ứng những yêu cầu về quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật. Nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng chất lượng, giảm giá thành.

Trong trường hợp cần thiết, chủ động đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng những biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các quy định của EVFTA. Để có thể tận dụng hiệu quả những cơ hội do EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối để được hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức như: Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Thương vụ Việt Nam tại EU, Trung tâm xúc tiến thương mại của các tỉnh thành phố, VCCI…

mien trung tay nguyen evfta thong qua cu hich cua thi truong cho cac nganh kinh te chu luc
Ngành sản xuất, chế biến gỗ khu vực miền Trung - Tây Nguyên trước cơ hội mở rộng thị trường sang các nước EU

Ngành Công Thương sẵn sàng thực thi EVFTA

Theo Sở Công Thương Bình Định, trong thời gian đàm phán và ký kết Hiệp định EVFTA, hàng năm, Sở đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hợp tác quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên đăng tải các thông tin về Hiệp định EVFTA lên bản tin công thương, website của Sở Công Thương, và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Nguyễn Hà Bắc – Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, thời gian tới Sở sẽ chủ trì, phối hợp cùng các ngành xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành và triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong các hoạt động và tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các FTA “thế hệ mới”, trong đó có EVFTA; tập trung đi sâu vào các vấn đề như nội dung cam kết và lộ trình thực hiện của Việt Nam trong một số ngành hàng, lĩnh vực dịch vụ mà thành phố có thế mạnh và định hướng phát triển; các cam kết về đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan và phòng vệ thương mại.... Qua đó, giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ nội hàm của Hiệp định, nắm vững các quy định pháp luật triển khai Hiệp định, chủ động hoạch định chiến lược sản xuất - kinh doanh phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua thách thức và tận dụng hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định. Đồng thời, tập trung rà soát, nắm bắt thực tế hoạt động của doanh nghiệp, phân loại doanh nghiệp theo lĩnh vực, chuyên ngành để có thể tập trung tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ chuyên sâu, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa có tiềm năng, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

mien trung tay nguyen evfta thong qua cu hich cua thi truong cho cac nganh kinh te chu luc
Theo ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng - thời gian tới, Sở phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện EVFTA cho các đơn vị liên quan

Ông Võ Đình Trà - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi sẽ chủ động tuyên truyền các ý nghĩa của hiệp định cho các doanh nghiệp giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vấn đề. Đồng thời, Sở cũng sẽ tổ chức đưa ra các vấn đề về cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong việc tham gia EVFTA; chủ động trong việc giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đưa sản phẩm thế mạnh địa phương đến rộng hơn với thị trường quốc tế. Các mặt hàng là thế mạnh của Quảng Ngãi gồm may mặc, cách ngành công nghiệp phụ trợ có thế mạnh, đối với mặt hàng nông sản dưa đỏ là sản phẩm chủ yếu được đánh giá cao về chất lượng.

Thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến trong quý III/2020 tỉnh sẽ phối hợp Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu âu (EVFTA) cho các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như phổ biến các cam kết trong Hiệp định EVFTA: Khai thác các cơ hội và giảm thiểu thách thức; Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA: Những vấn đề địa phương và doanh nghiệp cần lưu ý. Xây dựng kế hoạch cụ thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia công tác tuyên truyền, quảng bá các mặt hàng xuất khẩu của mình ra thị trường nước ngoài mà trọng tâm là EU (giao Trung tâm XTTM – Sở Công Thương thực hiện). Đồng thời, phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và các thương vụ Vieetj Nam tại thị trường EU giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiềm năng, doanh nghiệp uy tín của địa phương tới các đối tác sở tại; phối hợp Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công thương Trung ương bồi dưỡng kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế cho các cán bộ công chức, viên chức liên quan.

Quỳnh Anh