Hội nhập trong nước

Đóng góp vào thành tựu ấn tượng của nền kinh tế năm 2019, không thể không nhắc đến vai trò của ngành Công Thương trong việc định hướng, giải quyết, phối hợp và quyết liệt đưa ra giải pháp căn cơ, triệt để, nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu được giao. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những chia sẻ tâm huyết về các định hướng mà ngành Công Thương sẽ thực hiện trong năm 2020, đặc biệt là các trọng tâm về xuất nhập khẩu, cải cách hành chính và hội nhập, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Quốc hội và Chính phủ đề ra.

I. “Kỳ tích” xuất nhập khẩu và những giải pháp cho năm 2020

Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) cả nước chính thức cán mốc kỷ lục 500 tỷ USD và cũng là năm thứ tư liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Đặt trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm XNK, đây là con số ấn tượng, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Xin Bộ trưởng cho biết, những giải pháp cụ thể nào đã được Bộ Công Thương đưa ra để giúp hoạt động xNK đạt con số kỷ lục này?

bo cong thuong xac dinh ro vai tro va trach nhiem trong phat trien kinh te dat nuoc

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Con số 500 tỷ USD kim ngạch XNK giúp Việt Nam lọt Top 30 quốc gia có tăng trưởng XNK tốt trên thế giới. Nếu xét về tăng trưởng cả giai đoạn (13%) thì Việt Nam thuộc Top đầu thế giới duy trì tăng trưởng cao, bền vững. Đáng chú ý, không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, con số thặng dư thương mại trên 11 tỷ USD giải quyết rất nhiều vấn đề, đặc biệt về kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, con số XNK kỷ lục cũng thể hiện rõ chúng ta đã tận dụng có hiệu quả 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực. Hiện hàng hóa Việt Nam đã có mặt tại 200 thị trường, quốc gia trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại sang các thị trường có FTA như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… duy trì ở mức hai con số.

bo cong thuong xac dinh ro vai tro va trach nhiem trong phat trien kinh te dat nuoc
Ngày 28/12/2019, những chiếc xe bus thương hiệu Thaco đã được đưa lên tàu để xuất khẩu sang Philippines, chính thức định danh Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu ôtô thế giới

Con số XNK kỷ lục trên là tổng hòa của nhiều giải pháp. Trong đó, năm 2011, Quyết định 2471/QĐ-TTg phê chuẩn Chiến lược XNK hàng hóa bền vững thời kỳ 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, các giải pháp lớn, bao gồm tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu theo hướng tập trung mở rộng, đồng thời phát triển theo chiều sâu, đến các nhóm giải pháp về phát triển thị trường, chính sách tài chính tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước, xây dựng và hình thành thị trường cho tín dụng… đa dạng và đồng bộ đã giúp chúng ta thực hiện tốt các lộ trình, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Kết quả của năm 2019 là điểm sáng đáng ghi nhận, tuy nhiên, cũng tạo áp lực không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu năm 2020. Bộ Công Thương đã đề ra mục tiêu và giải pháp nào cho hoạt động XNK trong năm 2020, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% so với năm 2019; tỷ lệ nhập siêu so với với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. 2020 được nhận định là năm có nhiều khó khăn và thách thức với hoạt động XNK khi tình hình thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục duy trì những kết quả đạt được trong những năm vừa qua và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao, ngành Công Thương sẽ triển khai những giải pháp: Chú trọng tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu đề xuất các biện pháp tháo gỡ và tiếp tục triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến với các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Một vấn đề mới cần đẩy mạnh là công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa, Bộ Công Thương sẽ chú trọng thực hiện các quy định, tăng cường quản lý nhà nước về gian lận xuất xứ để đảm bảo các cam kết quốc tế, phát triển bền vững XNK.

Tuy nhiên, phải khẳng định, chủ thể của hoạt động XNK chính là cộng đồng DN, còn nhà nước chỉ kiến tạo. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng DN cần tiếp tục nỗ lực để tạo đột phá.

II. Cải cách hành chính: Hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi

Tiếp nối những thành công từ đầu nhiệm kỳ, năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt Bộ Công Thương đã đi đầu kết nối dịch vụ công với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Bộ trưởng có thể điểm lại những kết quả đã đạt được?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, Bộ Công Thương đã nghiêm túc, quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển DN thông qua chương trình cải cách hành chính (CCHC), xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.

bo cong thuong xac dinh ro vai tro va trach nhiem trong phat trien kinh te dat nuoc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha (tháng 11/2019)

Với quan điểm đổi mới, trách nhiệm, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ về cắt giảm điều kiện, thủ tục kinh doanh; có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính tạo thuận lợi cho DN.

Tháng 3/2019, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 485/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc Bộ Công Thương (như ôtô, điện lực, hoá chất, thực phẩm, khoáng sản, khí, rượu, thuốc lá…); đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động quản lý điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý; chủ động tăng cường phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan để đưa các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN một cách hiệu quả. Bộ Công Thương là một trong những Bộ kết nối kỹ thuật đầu tiên với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, tất cả 292 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã được triển khai DVCTT mức độ 2 trở lên. Trong đó, 44 DVCTT mức độ 4, 122 dịch vụ mức độ 3. 11 DVCTT kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia và 2 nhóm dịch vụ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

bo cong thuong xac dinh ro vai tro va trach nhiem trong phat trien kinh te dat nuoc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành bấm nút khai trương thủ tục cấp C/O mẫu D điện tử của Bộ Công Thương

Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hoá đã góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Đặc biệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức; hình thành phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành; tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, khuyến khích sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Kết quả đã được Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng DN và người dân đánh giá cao. Bộ Công Thương thuộc nhóm các bộ, ngành đạt yêu cầu về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện, có nhiều nội dung vẫn cần được tiếp tục bổ sung, sửa đổi phù hợp với yêu cầu, thực tiễn phát triển. Bộ Công Thương luôn lắng nghe với tinh thần trách nhiệm, cầu thị nhằm tiếp tục cải cách, hoàn thiện khung khổ pháp lý, hướng đến môi trường kinh doanh thuận lợi vì lợi ích của DN, người dân.

Năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh CCHC toàn diện, trong đó chú trọng đến công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, lấy thước đo chất lượng CCHC bằng sự hài lòng của người dân, DN.

III. Tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa quan hệ kinh tế, thương mại

Thưa Bộ trưởng, dấu ấn nổi bật trong hội nhập của Việt Nam năm 2019 là việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký kết hai Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư với EU (EVFTA và IPA). Xin Bộ trưởng cho biết, việc thực thi các hiệp định này có ý nghĩa như thế nào cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, giảm thuế nhanh hơn; góp phần xoay trục thị trường, giúp chuyển hướng, đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Sắp tới, thực thi Hiệp định EVFTA cùng với việc Hiệp định CPTPP vừa có hiệu lực và ký kết một số Hiệp định khác trong tương lai như RCEP, dự kiến sẽ mang lại những lợi thế nhất định, tạo cơ sở cho Việt Nam tăng trưởng kinh tế như: (1) Đa dạng hóa quan hệ kinh tế - thương mại, thị trường XNK, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực cụ thể. Đẩy mạnh xuất khẩu cũng sẽ góp phần tạo việc làm, hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; (2) Tạo điều kiện cho các DN Việt Nam phát huy hiệu quả kinh tế theo hướng tăng quy mô, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; (3) Hình thành và tạo liên kết chuỗi giữa các DN Việt Nam với các DN ASEAN, EU, các nước CPTPP... thông qua phân công lao động, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trung gian, từ đó tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho DN Việt Nam; (4) Cuối cùng, việc đàm phán thành công và ký kết FTA với các đối tác lớn cũng sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thế và lực mới, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.

Xin Bộ trưởng đánh giá về những lợi ích cụ thể trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN và đâu là những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế giữa hai bên trong nhiệm kỳ Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam 2020?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong suốt 24 năm tham gia ASEAN và Khu vực thương mại tự do AFTA của ASEAN, Việt Nam đã trưởng thành hơn rất nhiều về quan điểm và thực thi các cam kết hội nhập. Năm 1996, thương mại hai chiều Việt Nam – ASEAN mới đạt 5,9 tỷ USD, thì đến năm 2018, con số này đã tăng tới hơn 9,5 lần, đạt khoảng 56,3 tỷ USD. Mặc dù chúng ta có số nhập siêu nhất định từ thị trường ASEAN nhưng đây cũng là điều chấp nhận được, do có sự khác biệt trong trình độ phát triển, nhưng so với thời kỳ đầu hội nhập thì chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, mạnh mẽ.

Để thực hiện được trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm nhất quán, rõ ràng, cả về khía cạnh đối ngoại cũng như các yếu tố liên quan đến mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam, không chỉ 5 năm mà là 10 năm và xa hơn nữa. Do vậy, việc Việt Nam lựa chọn chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” đã nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên khác trong ASEAN, đặc biệt là Ban Thư ký của ASEAN. Hai nội hàm trong chủ đề đã phản ánh đúng nhu cầu của Việt Nam và các nước thành viên trong ASEAN, trong bối cảnh cục diện thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng. Và, bản thân ASEAN cần phải tiếp tục điều chỉnh, thích ứng để trở thành khu vực kinh tế năng động trong khu vực và trên thế giới, cũng như một tổ chức có sức sống, động lực thúc đẩy theo hướng tiến bộ, gắn kết chặt chẽ.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ có khoảng 16-17 sáng kiến được thực hiện trong năm 2020, trải rộng và bao trùm lên các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, kể cả việc hoàn thiện về thể chế, hệ thống hạ tầng, hạ tầng phần cứng, hạ tầng mềm cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN….

Quỳnh Anh