Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Trong khi Mỹ đã rút khỏi TPP, và nước Anh đang cố gắng rời khỏi Liên minh châu Âu, thương mại tự do dường như đang bị đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới, thì các nước châu Phi đang đi theo một hướng khác, đó là lục địa này đang trên đường tạo ra một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới về quy mô dân số trong gần 25 năm nay kể từ khi WTO được thành lập năm 1995.

Ngày 30/5, Khu vực Thương mại tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) sẽ trở thành hiện thực. Tất cả các thành viên trừ 3 nước trong số 55 quốc gia của châu Phi đã ký hiệp định này, tạo ra một khu vực thương mại tự do bao trùm hơn 1 tỷ người dân và tổng GDP hơn 2 nghìn tỷ USD, bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn nhất của châu Phi, kể cả Nam Phi và Ai Cập. Nếu Benin, Eritrea và Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi - cùng tham gia hiệp định thì khu vực thương mại tự do đó sẽ có 1,2 tỷ người và GDP 2,3 nghìn tỷ USD. So sánh một cách tương đối, NAFTA và hiệp định thương mại tự do EU - Nhật Bản đều có tổng GDP khoảng 22 nghìn tỷ USD. Nhưng ngay cả khi cộng hai khu vực thì cũng không có được quy mô dân số và thị trường người tiêu dùng như AfCFTA nếu mọi quốc gia châu Phi tham gia.

hiep dinh thuong mai tu do lon nhat trong gan 25 nam nay se co hieu luc vao ngay 305

Mục tiêu của việc hình thành FTA có lẽ xuất phát từ thương mại trong châu Phi đang ở trong tình trạng khó khăn. Chỉ có 17% các quốc gia châu Phi xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia châu Phi khác, trong khi mức thương mại nội khối là 59% ở châu Á và 69% ở châu Âu. Điều đó có nghĩa là châu Phi không có vai trò nhiều trong các chuỗi giá trị xuyên biên giới. Nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thuế quan và các quy định thương mại phức tạp giữa các nước châu Phi.

Sau khi AfCFTA có hiệu lực, các bên ký kết hiệp định sẽ cần giảm 90% thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các nước châu Phi khác. Theo Liên hiệp quốc, điều này có thể thúc đẩy thương mại nội khối của châu Phi lên 52,3%. Và một khi các quốc gia giảm thuế quan còn lại, các mức thuế sẽ được phép duy trì trong một thập kỷ để bảo vệ các ngành công nghiệp then chốt, thương mại nội bộ châu Phi sẽ tăng gấp đôi.

Một lý do chính đáng khác để thúc đẩy thương mại nội bộ châu Phi là sẽ tạo ra nhiều việc làm trong các ngành công nghiệp đa dạng hơn, từ dịch vụ đến sản xuất. Giao thương với các nước bên ngoài có xu hướng phụ thuộc vào việc gửi hàng hóa như kim loại và gỗ đến các nhà máy ở nước ngoài, có nghĩa là việc làm trong nước ít hơn, cộng với việc tiếp xúc quá nhiều với giá cả hàng hóa. Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi là một dự án hàng đầu trong nỗ lực phát triển “Chương trình nghị sự 2063” của Liên minh châu Phi trong thời gian 5 năm, nhưng đã có một bước tiến lớn vào năm ngoái, khi gần như mọi quốc gia châu Phi ký thỏa thuận vào tháng 3/2018. Chỉ hơn một năm sau, quốc gia thứ 22 là Gambia, đã phê chuẩn hiệp định, có nghĩa là hiệp định này có thể có hiệu lực.

Việc thiết lập một khu vực thương mại tự do không có nghĩa là làm cho thương mại xảy ra một cách kỳ diệu. Có rất nhiều trở ngại phải vượt qua trước khi giấc mơ đó trở thành hiện thực ở châu Phi. Vấn đề số một là cơ sở hạ tầng. Những tàn dư vật chất kỹ thuật của châu Phi thời thuộc địa trong quá khứ tiếp tục kìm hãm thương mại của khối. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi, lục địa này cần từ 130 tỷ đến 170 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng mỗi năm, và có một khoản thiếu hụt từ 68 tỷ đến 108 tỷ USD. Đây là một thách thức, nhưng cũng là một cơ hội, việc tạo ra một thị trường chung châu Phi có thể cải thiện khả năng tài chính dài hạn ở châu lục này. Các quốc gia sẽ cần sửa luật doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể hoạt động xuyên biên giới với những khó khăn tối thiểu. Sau đó, có vấn đề về kỹ năng, sẽ xuất hiện khi các doanh nghiệp cố gắng xây dựng chuỗi giá trị quốc tế và các nước công nghiệp hóa có thể đưa điều này trở thành hiện thực. Ví dụ, tại Ethiopia, chính phủ đang đẩy mạnh thị phần sản xuất của nền kinh tế từ 5% lên 20% vào năm 2025 và điều này có nghĩa là ngành công nghiệp phải đào tạo lực lượng lao động cần thiết.

Nigeria vẫn là nền kinh tế lớn nhất đang vắng mặt trong khu vực thương mại mới, vì Nigeria chiếm 1/6 GDP của châu Phi nên ban đầu, nước này đã rút khỏi các cuộc đàm phán bởi vì lo ngại thỏa thuận này có thể làm suy yếu các nhà sản xuất và doanh nhân địa phương, hoặc dẫn đến Nigeria trở thành thị trường tiếp nhận các hàng hóa thành phẩm. Điều đáng sợ ở đây là hàng hóa giá rẻ ở nước ngoài có thể chảy vào Nigeria thông qua các nước châu Phi khác. Tuy nhiên, Nam Phi - nền kinh tế lớn thứ hai của châu Phi, sau đó đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do và Nigeria đã thay đổi quan điểm dù không biết khi nào nước này sẽ ký thỏa thuận.

Điểm chính của AfCFTA là mang lại lợi ích cho châu Phi và người dân châu Phi, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tạo ra cơ hội cho các nước bên ngoài. Một số doanh nghiệp hầu như không đến châu Phi vì thị trường này quá nhỏ đối với họ. Với khu vực thương mại tự do mới, điều đó có thể thay đổi, ví dụ một công ty lớn của Mỹ có thể thiết lập chi nhánh ở một quốc gia lớn như Nam Phi hoặc Ethiopia, biết rằng cũng có thể sử dụng hiệp định này như một căn cứ để mở rộng cơ sở sang các quốc gia châu Phi khác. Theo thời gian, nếu tất cả đi theo kế hoạch, AfCFTA cũng sẽ dẫn đến các hiệp định thương mại mới với các quốc gia ngoài châu Phi, nhưng lần này với châu Phi vẫn duy trì một mặt trận thống nhất, giống như Liên minh châu Âu ngày nay. Điều đó có nghĩa là thành lập một liên minh hải quan toàn diện, và thậm chí tiến đến một loại tiền tệ chung; ý tưởng đã nhen nhóm ở cấp độ khu vực ở Tây Phi và Đông Phi.

Ngọc Hưởng, Tạp chí hội nhập