Góc nhìn Hiệp định TPP - CPTPP

Ngày 16/5, tại Santiago, Chile, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 25, các bộ trưởng/trưởng đoàn phụ trách kinh tế, thương mại của 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tổ chức cuộc gặp mặt, nhằm trao đổi về kinh nghiệm phê chuẩn Hiệp định CPTPP ở các quốc gia thành viên và các cơ hội, lợi ích mà hiệp định mang lại từ khi phê chuẩn...

CPTPP chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2018 và đang được thực thi ở 7 nước thành viên đã phê chuẩn. Trong quý đầu tiên hiệp định có hiệu lực, CPTPP đã giúp tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kiyoto Tsuji cho rằng, với việc phê chuẩn hiệp định, nền kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng 1,5%, trong khi Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker cho biết, thương mại của nước này với Nhật Bản đã tăng 25% và với Canada đã tăng 8,4%...

Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero cho biết, cuộc gặp này thể hiện cơ hội tái khẳng định với cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của thương mại tự do và những lợi ích mà CPTPP mang lại cho Chile. Ông cũng khẳng định thêm, CPTPP là “một bước đi siêu việt trong chính sách thương mại” của nước này, được tất cả các bên ủng hộ và được công nhận là “chìa khóa trong chiến lược phát triển” của Chile trong 30 năm qua. Mặc dù hiệp định có ý nghĩa quan trọng về kinh tế thương mại đối với các nước thành viên, nhưng hiện vẫn còn 4 quốc gia chưa hoàn tất thủ tục phê chuẩn đó là Peru, Chile, Brunei, Malaysia. Trong đó, đặc biệt Chile là nước Chủ nhà APEC năm 2019 và cũng là nơi diễn ra lễ ký kết quan trọng của Hiệp định CPTPP ngày 8/3/2018. Sau khi thông báo hoàn tất các văn kiện pháp lý vào cuối năm 2018, cho đến ngày 17/4/2019, Hạ viện Chile mới bỏ phiếu ủng hộ phê chuẩn hiệp định này với tỷ lệ phiếu 77/68 sau hai lần trì hoãn và hiện đang chờ Thượng viện xem xét. Lý do chính khiến việc phê chuẩn hiệp định của Chile diễn ra lâu hơn dự kiến, là để các cơ quan liên quan có thêm thời gian để xem xét và rà soát hiệp định. "Chile sẽ mất khả năng cạnh tranh nếu CPTPP không được phê chuẩn. Vì Hiệp định này đem lại nhiều cơ hội hơn so với các hiệp định song phương khác đã ký kết" - Bộ trưởng Roberto Ampuero giải thích thêm.

cptpp mang lai co hoi va loi ich ro rang cho cac quoc gia thanh vien
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và đại diện các nước thành viên tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC lần thứ 25 ngày 16/5/2019 ở Chile

Khi có hiệu lực, hết các mức thuế, thuế giá trị gia tăng được loại bỏ ngay lập tức giữa các quốc gia thành viên. Một số quốc gia sẽ thực hiện giai đoạn giảm thuế trong 4 năm, thay vì ngay lập tức, với một số ít được thực hiện trong vòng 10 - 15 năm. Chile chỉ loại bỏ thuế quan từng bước đối với các sản phẩm sắt và thép trong một vài năm. Khi có nhiều nước tham gia CPTPP hơn, người tiêu dùng Chile sẽ được hưởng lợi từ giá thấp hơn. Thuế quan Chile đã ở mức thấp, khoảng 6% cho toàn bộ hàng hóa mới và 9% cho hàng hóa đã qua sử dụng. Trước đó, từ năm 2005, Chile đã cùng với New Zealand, Brunei và Singapore loại bỏ tất cả các rào cản thương mại (nghĩa là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các quy định xuất nhập khẩu khó khăn) giữa các nước thông qua Hiệp định TPP ban đầu. Chile cũng đã có các hiệp định thương mại tự do riêng biệt với Mỹ và Liên minh châu Âu.

11 quốc gia thành viên CPTPP hiện nay đại diện cho tổng dân số 516,7 triệu người và có 8 thành viên OECD hoặc các nước nhỏ đã phát triển. Ngoài ra, 1 vài quốc gia khác như: Philippines, Colombia, Thái Lan, Lào, Indonesia, Campuchia, Bangladesh, Hàn Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka đều đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia CPTPP, sẽ đưa tổng số quốc gia lên 22 nền kinh tế với tổng dân số dự kiến khoảng 2,6 tỷ người và có 10 thành viên OECD hoặc các quốc gia nhỏ đã phát triển.

Do đó, CPTPP là một thị trường lớn gần như tự do và có thể sẽ mở rộng hơn nhiều. Các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ thương mại thuận lợi giữa các quốc gia này, bất kể đó là trụ sở của quốc gia nào. Hơn nữa, CPTPP có một cơ chế theo đó các nhà đầu tư hoặc công ty có quyền kiện các chính phủ nước ngoài vi phạm hiệp định. CPTPP cũng mở đường đáng kể cho sự phát triển và phân phối dược phẩm giữa các thành viên, có khả năng mang lại quyền tiếp cận tuyệt vời để chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho các quốc gia thành viên và chi phí thấp hơn.

Nếu được thực thi đầy đủ, CPTPP là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý, được hỗ trợ bởi một hệ thống giải quyết tranh chấp, nhằm mang lại luật pháp và tính minh bạch và dự đoán cao hơn cho chế độ thương mại đáng tin cậy. Mục đích tổng thể theo CPTPP là "duy trì thị trường mở, gia tăng thương mại thế giới và tạo ra cơ hội kinh tế mới cho mọi người thuộc mọi mức thu nhập và nền kinh tế".

Các nhà kinh tế Chile cho rằng, do Chile đã có thỏa thuận thương mại với tất cả các nước CPTPP ở các mức độ khác nhau nên tác động của CPTPP sẽ ít hơn so với các quốc gia khác ở Mỹ Latinh (như Peru và Mexico). Trong mọi trường hợp, CPTPP mang lại thỏa thuận tốt hơn cho Chile khi 10% hàng xuất khẩu của Chile sang Nhật Bản trước đây không được hưởng ưu đãi thì sẽ được ưu đãi khi CPTPP được thực thi ở Chile. Ví dụ, tại Nhật Bản, cam Chile xuất khẩu sang Nhật Bản đã chịu mức thuế 12%. Khi CPTPP được thực thi với Chile, mức thuế sẽ giảm xuống 0 trong vòng 8 năm. CPTPP tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn bởi vì hiệp định thương mại đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ cần thiết để xuất khẩu. Ngoài ra, các dịch vụ được bao gồm trong thỏa thuận và trước đây không có trong các hiệp định song phương mà Chile ký kết với một số quốc gia châu Á, như Malaysia và Việt Nam.

Tuy nhiên, để được hưởng các lợi ích ưu đãi đó trong CPTPP, Chile cùng với 3 nước Peru, Malaysia và Brunei cần phải sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn để hiệp định có hiệu lực trong 60 ngày sau đó.

Việt Dũng - Minh Anh