Kim ngạch nhập khẩu tăng cao – dấu hiệu tốt cho sản xuất và xuất khẩu
Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng khá cao so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á như: Trung Quốc tăng 4,3%; Hàn Quốc tăng 9,6%; Thái Lan tăng 3,9% (trong 9 tháng đầu năm 2024)...
Đáng chú ý, 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn này, có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng tới 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đạt 117,7 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước và tăng tới 31,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thị trường chủ yếu cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất cho Việt Nam, cho nên việc nhập khẩu gia tăng từ thị trường này cho thấy doanh nghiệp đang dồn lực sản xuất để phục vụ đơn hàng cuối năm, cũng như gối đầu cho năm 2025.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho đơn hàng khi dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 tiếp tục dồi dào. Thị trường xuất khẩu dệt may đang có sự phục hồi đáng kể do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
Tương tự, đối với ngành da giày, thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu về phục vụ các đơn hàng. Toàn ngành đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024, cao hơn 2 – 3 tỷ USD so với con số 24 tỷ USD của năm 2023.
Cơ hội nào cho năm 2025?
Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đang có nhiều điểm sáng, là cơ hội cho những mục tiêu lớn hơn cho năm 2025.
Tại Hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh xuất nhập khẩu - giải pháp nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa?” do Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức ngày 15/11, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, đối với các mặt hàng nông sản, thị trường trong thời điểm này khá là ổn định, nhiều loại mặt hàng có lợi thế về giá ví dụ như mặt hàng gạo, cà phê đã có giá tăng cao và dự báo sẽ duy trì được xu thế tăng trưởng.
Trong những tháng cuối năm 2024, thậm chí là đầu năm 2025, dự báo cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại.
Điều này giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, mặc dù có triển vọng, nhưng cần được lưu ý về tính mùa vụ và sự biến động giá cả. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Về triển vọng năm 2025, ông Trần Thanh Hải dự báo, thị trường thế giới có dấu hiệu ổn định, lạm phát tại các thị trường giảm tại các thị trường lớn, nhu cầu và sức mua phục hồi; tình hình sản xuất trong nước ổn định, nguồn hàng dồi dào, phong phú; thu hút FDI đạt kết quả tốt; Các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng, giúp gia tăng kim ngạch ở các thị trường có FTA, các FTA mới đi vào thực hiện... Do đó dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt từ nay tới Quý I/2025, tăng trưởng đều ở các nhóm hàng và thị trường.
Tuy nhiên, những thách thức là các "hàng rào kỹ thuật" mới cần nhận diện rõ, đó là các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn, môi trường, lao động hay nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại...
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tận dụng các cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu và hạn chế các thách thức. Do đó, các doanh nghiệp cần xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng đến cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các hỗ trợ của Nhà nước; Tìm hiểu, tận dụng các FTA để mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; Đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, tính chuyên nghiệp, tiến ra thị trường quốc tế. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần chủ động phương án dự phòng, khắc phục những sự cố, rủi ro, biến động trên thị trường; cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2025, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn có thể duy trì. Song doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến hàng rào phòng vệ thương mại được các quốc gia dựng lên.
“Bộ Công Thương cần đặc biệt lưu ý đến việc một số quốc gia có thể lợi dụng các FTA của Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng hoá vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh hàng Việt trên thế giới” – TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Thu Hiên, Tạp Chí cộng sản