CÁC DIỄN ĐÀN KINH TẾ QUỐC TẾ

Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27 ngày 20/11, các nhà lãnh đạo đã thông qua tầm nhìn đến năm 2040 về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao lần thứ 27 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC 27 đã diễn ra trực tuyến vào tối ngày 20/11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin.

Tham dự Hội nghị có các nhà Lãnh đạo và đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC, Tổng Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lãnh đạo Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) và Ban Thư ký ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Đoàn chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ có lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27: Thông qua tầm nhìn đến năm 2040 một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương năng động, tự cường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27

Khẳng định vai trò của của nghĩa đa phương

Trong cuộc họp trực tuyến, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và xây dựng một nền kinh tế thế giới mở. Tất cả đều nhất trí cần phải tăng cường lòng tin, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương, nắm bắt các cơ hội mới trên nền tảng công nghệ số, kết nối số để đưa châu Á – Thái Bình Dương sớm phục hồi và tiếp tục giữ vai trò của động lực của tăng trưởng toàn cầu.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng chia sẻ đánh giá về những chuyển biến sâu sắc và xu thế lớn của thế giới và khu vực, vai trò của hợp tác APEC trong cục diện đang định hình. Bên cạnh tiếp tục khẳng định duy trì môi trường thương mại và đầu tư mở và tự do, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và hoạt động hiệu quả, các nhà Lãnh đạo cam kết tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa liên kết kinh tế, kết nối toàn diện, kết nối số tại châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Hội nghị có nhiều ý kiến lạc quan về triển vọng xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương, hoan nghênh Hiệp định Đối tác toàn diện chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được triển khai và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) vừa được ký kết ngày 15/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Đối thoại các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC hôm 19/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết thành công của RCEP “vào thời điểm quan trọng này sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và thương mại đa phương”. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng cho rằng trong khi tiếp tục thúc đẩy cải cách WTO, Nhật Bản mong muốn về một Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) thông qua việc sớm ký kết hiệp định RCEP, đồng thời thực hiện ổn định và mở rộng CPTPP. Các nhà phân tích cho rằng, với việc ra mắt Tầm nhìn APEC 2040, các nhà lãnh đạo APEC đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về cam kết đa phương hóa và hợp tác quốc tế, đồng thời lưu ý rằng sự hợp tác này là cần thiết để chống lại đại dịch và phục hồi kinh tế bền vững.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27: Thông qua tầm nhìn đến năm 2040 một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương năng động, tự cường
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá về những chuyển biến sâu sắc và xu thế lớn của thế giới và khu vực, vai trò của hợp tác APEC trong cục diện đang định hình

Cũng tại đây, Trung Quốc cho biết sẽ “cân nhắc thuận lợi” việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các chuyên gia của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tuyên bố của Trung Quốc về việc gia nhập CPTPP cho thấy thái độ sẵn sàng và cởi mở của Trung Quốc đối với cơ chế đa phương trong khu vực vì “Trung Quốc sẽ cố gắng tham gia bất kỳ cơ chế đa phương nào có thể tham gia”. Tuyên bố tích cực của Trung Quốc về việc ủng hộ việc tham gia CPTPP là điều quan trọng để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương trong bối cảnh đại dịch.

Đầu tàu trong hồi phục kinh tế

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu của khu vực trong triển khai các mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở được thông qua từ năm 1994, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua tầm nhìn mới của hợp tác khu vực. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2040 là xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Tầm nhìn APEC 2040 sẽ được hiện thực hóa thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng của APEC về thương mại và đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế kỹ thuật,… cùng với các động lực mới về đổi mới, sáng tạo, quá trình số hóa và chuyển đổi số, tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ ấn tượng trước những kỳ tích về phát triển kinh tế, xã hội của châu Á – Thái Bình Dương sau hơn 25 năm theo đuổi thực hiện các Mục tiêu Bogor; đồng thời khẳng định trọng trách kế thừa các thành tựu, cùng nhau xây dựng tương lai để APEC tiếp tục phát huy vai trò không thể thiếu và khả năng thích ứng trong một thế giới thay đổi và cấu trúc khu vực đang định hình.

Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 27: Thông qua tầm nhìn đến năm 2040 một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương năng động, tự cường
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới

Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số đề xuất có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy hợp tác APEC thời gian tới. Thủ tướng đề nghị APEC phối hợp hành động kiểm soát dịch COVID-19, thúc đẩy liên kết kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng để châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu trong tiến trình phục hồi kinh tế.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh động lực mới đối với APEC chính là thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực để nâng cao các giá trị cốt lõi của APEC trong cách mạng công nghiệp 4.0. APEC cần đi đầu đưa châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực số, đẩy mạnh kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoảng cách số…

Bên cạnh đó, phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, nguồn nước, biến đổi khí hậu… cần trở thành trụ cột mới của hợp tác APEC. Trong đó, người dân và doanh nghiệp cần được đặt vào trung tâm của phát triển và liên kết kinh tế. APEC cần hỗ trợ các thành viên phát triển theo hướng thông minh hơn, xanh hơn và bao trùm hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC để biến tầm nhìn và ước vọng được thông qua ngày hôm nay thành trái ngọt của hoà bình, ổn định và hạnh phúc của mọi người dân trong khu vực.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chính thức nhận bàn giao vai trò chủ nhà Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 với chủ đề “Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng”.

Thu Thủy – Việt Dũng: Báo Công thương