Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC năm 2019 (MRT) được tổ chức tại Vina del Mar, Chile ngày 17-18/5 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero với sự tham dự của 21 Bộ trưởng, trưởng đoàn phụ trách kinh tế thương mại của các nền kinh tế thành viên APEC.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, để đối phó với sự gián đoạn thương mại trong khu vực, các Bộ trưởng APEC tổ chức các cuộc đối thoại thẳng thắn và có ý nghĩa, đồng thời xây dựng các sáng kiến mới vì lợi ích lớn hơn của người dân và khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC năm 2019 tại Vina del Mar, Chile ngày 17/5/2019
Trong một thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế và thương mại của 21 nền kinh tế trên vành đai Thái Bình Dương đã vượt xa phần còn lại của thế giới với dự báo kinh tế tăng trưởng 3,9% năm 2019. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước đang ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng khi tăng trưởng thương mại chậm lại. Các Bộ trưởng Thương mại APEC sẽ theo đuổi các chính sách nhằm tăng cường hội nhập thương mại và hướng tới cắt giảm thuế hơn nữa để tăng cường sự gắn kết.
Với vai trò là nước Chủ tịch APEC năm nay, Chile nhấn mạnh các nỗ lực của các nền kinh tế là những ưu tiên lấy người dân làm trung tâm, bao gồm xã hội số, hội nhập 4.0, doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng trưởng toàn diện, phát triển bền vững. Các sự kiện đối thoại tại hội nghị năm nay bao gồm phần trình bày của Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero và các khuyến nghị chính sách được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC và các quan sát viên chính thức của APEC - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương và diễn đàn đảo Thái Bình Dương.
Hoạt động dựa trên các nguyên tắc đối thoại tự nguyện không ràng buộc, APEC đã khuyến khích và huy động thành công nhiều giao dịch thương mại hơn, đóng góp 45% GDP của khu vực trong năm 2017. Mặc dù có những xung đột thương mại gần đây, diễn đàn APEC vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế trên tinh thần cùng có lợi về tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Roberto Ampuero đã nhấn mạnh các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau xây dựng một diễn đàn hội nhập, thông qua đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng, giúp củng cố tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực. Chile là ví dụ tiêu biểu của việc thành viên APEC có thể tạo thuận lợi cho tăng trưởng như thế nào. Kể từ khi gia nhập APEC cách đây 25 năm, xuất khẩu của Chile sang khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã tăng trưởng gần 800% và tạo ra một triệu việc làm. Ngày nay, các nền kinh tế APEC chiếm 66% tổng thương mại của Chile và 59% đầu tư nước ngoài của nước này.
Chile tiếp tục bước sang một lĩnh vực mới với năm Chủ tịch APEC, lần đầu tiên nâng cao quyền lực kinh tế của phụ nữ APEC là ưu tiên hàng đầu của khu vực. Ưu tiên quan trọng khác - xã hội kỹ thuật số- phản ánh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển. Các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC khẳng định sự cần thiết phải giải quyết sự chênh lệch từ các chính sách thương mại của các nền kinh tế thành viên. Các ưu tiên tăng trưởng toàn diện và bền vững được định hướng bởi niềm tin rằng có những nguyên tắc quan trọng đang bị đe dọa, xác định các nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế đặt con người, tương lai vào trung tâm hoạt động của APEC.
Thành Long, Văn phòng BCĐLNKT